Vinasun muốn cắt chuỗi thua lỗ 2 năm, lo công ty nước ngoài "độc quyền" thị trường taxi

LHQ 15:02 | 13/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Vinasun (mã VNS) đặt mục tiêu lãi nhẹ 27,32 tỷ đồng sau hai năm liền thua lỗ gần 500 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Ánh Dương - đơn vị vận hành thương hiệu taxi Vinasun vừa trải qua hai năm liên tiếp báo lỗ, năm 2020 báo lỗ 207 tỷ đồng và năm 2021 là 273 tỷ đồng. Nếu tiếp tục thua lỗ trong năm nay, cổ phiếu của công ty sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.

Để tránh nguy cơ bị hủy niêm yết, trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022, Vinasun đặt mục tiêu "bằng mọi giá" có lãi. Cụ thể, công ty kỳ vọng lãi sau thuế năm 2022 đạt 27,32 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu đạt 640,9 tỷ đồng, tăng 28% so với mức doanh thu thực hiện 500,48 tỷ đồng trong năm 2021. 

Năm nay, Vinasun dự kiến đầu tư thêm 156 xe mới, đồng thời thanh lý và bán trả chậm cho tài xế để kinh doanh thương quyền 506 xe, phát triển 150 xe hợp tác kinh doanh với các đối tác bên ngoài. Tổng số xe hoạt động kinh doanh dự kiến sẽ là 2.620 chiếc.

Để đạt được mục tiêu kinh doanh năm nay, ban lãnh đạo Vinasun trình cổ đông kế hoạch tập trung khôi phục thị phần tại TP. HCM, Bình Dương và Đông Nai, đồng thời tìm cơ hội bắt tay với các đối tác trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, công nghệ, tiêu dùng, thanh toán.

Dù vậy, ban lãnh đạo công ty nhận định kế hoạch kinh doanh có thể bị chi phối bởi nhiều yếu tố như mức độ hồi phục của ngành du lịch, chi phí xăng dầu leo thang... Đáng chú ý, tài liệu trình cổ đông đề cập đến yếu tố "tác động của sự độc quyền của các công ty nước ngoài trong hoạt động kinh doanh taxi và sự tuân thủ của những doanh nghiệp này với các quy định mới ban hành".

 

Trước đó, Vinasun từng nộp đơn khởi kiện và theo đuổi vụ kiện với Grab trong nhiều tháng ròng rã cho đến khi tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. HCM xử phúc thẩm, chính thức khép lại vụ việc vào năm 2020. 

Theo đơn khởi kiện, Vinasun cáo buộc Grab lợi dụng Đề án 24 của Bộ Giao thông vận tải về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây thiệt hại cho Vinasun. Do đó Vinasun đã khởi kiện Grab ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại 41,2 tỉ đồng.

Tòa phúc thẩm sau đó nhận định có căn cứ xác định Grab đã thực hiện kinh doanh vận tải bằng ôtô (taxi) nhưng không chấp hành quy định pháp luật về loại hình kinh doanh này. Theo đó, HĐXX chấp nhận một phần yêu cầu của Vinasun, buộc Grab bồi thường cho Vinasun số tiền 4,8 tỷ đồng.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải cũng đưa ra đề xuất trong dự thảo mới rằng các hãng taxi công nghệ như Grab, Gojek hay Be sẽ được xếp vào loại hình taxi, chịu ràng buộc về niên hạn, tiêu chuẩn lái xe.

Từ khóa: #Vinasun