Vingroup nuôi tham vọng gì đằng sau hai công ty con mới thành lập?

10:07 | 10/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Vingroup vừa công bố thành lập hai công ty con với tổng vốn điều lệ 1.425 tỷ đồng là VinES và VinAI. Hai doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng và trí tuệ nhân tạo.

Cụ thể, doanh nghiệp thứ nhất là CTCP Giải pháp Năng lượng VINES (VinES) được thành lập ngày 4/8 với vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng. Tập đoàn Vingroup nắm 51% vốn tương đương với 510 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ông Phạm Nhật Vượng nắm 48,5% trong 49% còn lại, tương ứng với 485 tỷ đồng. Đây là một trong số những công ty hiếm hoi mà vị chủ tịch HĐQT Vingroup đứng ra trực tiếp nắm lượng lớn cổ phần. Số cổ phần còn lại do bà Phan thu Hương nắm giữ, bà sẽ là Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của VinES. Hiện bà Hương đang đảm nhận chức Phó Tổng giám đốc tại tập đoàn Vingroup.

Doanh nghiệp thành viên tiếp theo của Vingroup là Công ty cổ phần nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo VinAI, ngành nghề kinh doanh chính là nghiên cứ khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ.

VinAI có vốn điều lệ 425 tỷ đồng, do Vingroup sở hữu 99,8% vốn. Bà Nguyễn Mai Hoa sẽ đóng vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật. 

Tham vọng của Vingroup là gì?

Được biết, trong đại hội cổ đông thường niên năm 2021, ông Phạm Nhật Vượng từng thông tin rằng mô hình kinh doanh của Vingroup trong thời gian tới sẽ là VinFast sản xuất ô tô, còn VinSmart sản xuất và cho thuê pin. Xe điện của Vingroup sử dụng concept cho thuê pin, có nghĩa là pin thuộc sở hữu của Vingroup. Mọi chi phí pin, bảo dưỡng đều do VinSmart chịu trách nhiệm. Model kinh doanh của VinSmart đã được tính toán và cho thấy sự ổn định. 

 Vingroup nuôi tham vọng gì đằng sau hai công ty con mới thành lập? - ảnh 1

Các trạm sạc ô tô điện mà VinFast đang phát triển

Pin là một trong những bộ phận không thể thiếu của xe điện. Sản xuất pin điện được dự báo sẽ tăng trưởng đồng hành cùng xe điện, nhiều chuyên gia đã ví đây sẽ là "ngành công nghiệp bán dẫn thứ hai” và “động lực tăng trưởng thế hệ tiếp theo".

Thậm chí, quốc gia nào có khả năng dẫn đầu ngành sản xuất này ở thế kỷ 21 sẽ giành được vị thế tương tự các cường quốc về dầu mỏ như ở thế kỷ 20. 

Pin xe điện cũng sở hữu nhiều lợi thế từ giá nguyên liệu đầu vào giảm, ngược lại quy mô và nhu cầu ngày tăng. Elon Musk từng dự báo, đến năm 2022, thị trường pin rất có thể sẽ thiếu nguồn cung, và Tesla sẽ tăng cường mua pin từ các nhà sản xuất pin xe điện Hàn Quốc, bao gồm cả Công ty hóa chất LG. 

Do đó, đây chính là thời cơ để Vingroup nắm bắt cơ hội để cụ thể chiến lược trước sự chuyển dịch về công nghệ và đón đầu xu hướng trên toàn cầu. 

Nhiều hãng xe nổi tiếng như BMW (Đức) hay Toyota của Nhật Bản cũng đang mạnh tay với những kế hoạch lớn để phát triển công nghệ và thương hiệu pin điện riêng. 

Còn hãng Hyundai (Hàn Quốc) đã có cuộc gặp với lãnh đạo ba nhà sản xuất pin hàng đầu Hàn Quốc để rục rịch thành lập một liên minh toàn diện trong ngành xe điện nhằm nâng cao cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. 

Các nhà phân tích chỉ ra hiện tại khó khăn mà Vingroup cần phải vượt qua chính là nguồn nguyên liệu thô bền vững, tránh phụ thuộc vào một nguồn cung cũng như tìm ra giải pháp tái chế bằng cách thu hồi vật liệu từ pin hết hạn. Ngoài ra, ngành này còn mới ở Việt Nam nên rất cần vốn đầu tư lớn và sự trợ cấp, ưu đãi từ Chính phủ. 

H.S

Xem thêm: Vingroup nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất Vắc xin mRNA phòng Covid-19 tại Việt Nam