VNDIRECT: Biên lãi doanh nghiệp thép có thể khởi sắc vào quý II
Tổng cầu thép trong nước năm nay có thể tăng trưởng âm
Theo VNDIRECT, nhu cầu thép của Việt Nam phụ thuộc vào triển vọng được cải thiện của thị trường bất động sản (BĐS) dân dụng.
Cụ thể, triển vọng ngành BĐS dân dụng ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu ngành thép Việt Nam khi chiếm khoảng 60 - 65% nhu cầu toàn ngành và ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng thép thành phẩm.
Trong khi đó, kể từ quý II/2022, ngành BĐS nội địa chững lại, lãi suất mua nhà tăng và room tín dụng hạn chế. Cho đến thời gian gần đây, các tín hiệu tích cực hơn đối với ngành BĐS đã dần xuất hiện. Hàng loạt chính sách nhằm tháo gỡ thị trường BĐS được ban hành kể từ đầu năm 2023 như Nghị định 08/2023 về trái phiếu doanh nghiệp, Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ thị trường BĐS, Quyết định 388 về đề án phát triển nhà ở xã hội và mới đây nhất là NĐ10 tạo cơ sở giải quyết các nút thắt pháp lý.
Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng hiệu quả thực tế triển khai vẫn cần kiểm chứng thêm. Theo VNDIRECT, vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường BĐS liệu có “rã đông” khi thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngõ và nhiều điểm nghẽn về pháp lý vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Các chuyên gia tin rằng các chính sách ban hành như trên có thể tháo gỡ một phần nút thắt, tuy nhiên cần những giải pháp đồng bộ hơn về cả quy trình pháp lý, tiếp cận nguồn vốn để thị trường bất động sản phục hồi. Do đó, VNDIRECT kỳ vọng nguồn cung BĐS nội địa chỉ có thể được hồi phục từ năm 2024 nhờ Luật đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà.
Với những kỳ vọng như vậy, VNDIRECT dự báo nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong năm 2023. Do đó, mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, nhóm phân tích dự báo tổng nhu cầu thép trong nước sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023. Cụ thể, tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng - tôn mạ của Việt Nam trong năm 2023 sẽ giảm lần lượt 9,2% - 7,0% so với cùng kỳ (svck) xuống mức 9,5 triệu tấn – 3,9 triệu tấn.
Biên lãi gộp các DN thép dự báo cải thiện trong quý II và biến động về cuối năm
Ở một góc nhìn tích cực, VNDIRECT nhận định giá bán đầu ra giảm chậm hơn so với đầu vào sẽ giúp biên lãi của các công ty thép được cải thiện trong tháng 4/2023.
Theo diễn biến của giá hàng hóa giao ngay (bao gồm giá thép, quặng sắt, than cốc và thép phế), các chuyên gia ước tính biên lãi của đại diện ngành là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) trong tháng 4 đang cao hơn 1,5 điểm % so với trung bình quý I, bất chấp việc giá bán thép đầu ra giảm.
Nhóm phân tích kỳ vọng biên lãi gộp của các doanh nghiệp trong quý II sẽ tiếp tục được cải thiện so với quý trước. Mặc dù vậy, việc nhu cầu thép được dự báo vẫn sẽ yếu trong các tháng tới, biên lãi của các công ty trong ngành có thể vẫn sẽ gặp nhiều biến động, đặc biệt là nhóm công ty nhỏ với kỹ năng quản lý hàng tồn kho hạn chế hơn.