Volkswagen – “ông trùm” ô tô Đức gắn liền với nhà độc tài Adolf Hitler

16:00 | 21/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Volkswagen là cái tên không còn quá xa lạ với những ai yêu thích và am hiểu xe hơi. Tuy nhiên, có 1=một sự thật thú vị là hãng xe sở hữu nhiều thương hiệu ô tô đình đám thế giới này lại được hình thành từ ý tưởng điên rồ của trùm phát xít Adolf Hitler.

Lời hứa của trùm phát xít và thời kỳ đen tối của Volkswagen

Vào năm 1929, thị trường chứng khoán ở Hoa Kỳ sụp đổ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nước Đức, hàng triệu người mất việc làm và một vài ngân hàng lớn bị phá sản. Hitler và Đảng Quốc Xã lúc bấy giờ đã sẵn sàng để khai thác tình thế nhằm thu hút sự ủng hộ của quần chúng.

Để thực hiện hoá tham vọng của mình, trùm phát xít lúc ấy đã ra lệnh cho Ferdinand Porsche phải chế tạo cho dân chúng của mình một mẫu xe “quốc dân”. Mục đích của việc này là giúp Hitler lấy lòng người dân nước Đức. Bởi ngày ấy xe hơi là 1 thứ rất xa xỉ, và chỉ dành cho giới thượng lưu. Việc sở hữu được 1 chiếc xe hơi là ao ước của mỗi người đàn ông nghèo. Hẳn là Hitler đã nắm bắt được tâm lý ấy và đã hứa hẹn về 1 chiếc xe quốc dân cho toàn bộ người dân nước Đức.

Adolf Hitler bên thiết kế của chiếc Beetle

Còn về Ferdinand Porsche khi ấy chỉ là 1 chàng kỹ sư bình thường, những bản thiết kế ô tô của Ferdinand Porsche được gửi đến những hãng xe lớn nhưng họ không mấy hứng thú. Mãi đến khi ông gặp Adolf Hitler, trùm phát xít tỏ ra khá thích thú trước chú bọ Beetle (People’s Car) bởi vẻ bề ngoài nhỏ nhắn, thân thiện với độ tin cậy cao, đặc biệt là có 1 mức giá quá hời chỉ 250$/chiếc.

Năm 1937, Volkswagen chính thức được thành lập bởi Mặt trận Lao động Đức, và tên gọi Volkswagen cũng chính là do Hitler đặt cho (trong tiếng Đức Volkswagen có nghĩa là xe của dân). Những chiếc xe đầu tiên của Volkswagen được sản xuất tại một nhà máy ở một thị trấn có tên là Stadt des KdF-Wagens (nay là Wolfsburg). Nhà máy này được Hitler đầu tư với quy mô sản xuất lớn, cùng những công nghệ tiên tiến nhất lúc bấy giờ. Nhưng chiến tranh thế giới thứ 2 làm gián đoạn công việc này.

Trong thế chiến II, nhà máy của Volkswagen chủ yếu được sử dụng để sản xuất xe quân sự như mẫu Kzigelwagen để phục vụ cho chiến tranh. Đến năm 1943, đã có 12.000 tù nhân chiến tranh bị bắt làm việc tại đây, công việc của họ là sửa chữa máy bay và chế tạo vũ khí để ném bom nước Anh. Đây chính là thời kỳ đen tối nhất của Volkswagen gắn liền với những tội ác của trùm phát xít Adolf Hitler.

Sự bùng cháy của “ngọn đuốc lớn”

Sau chiến tranh, thị trấn Stadt des KdF-Wagens bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn từ phía quân đồng minh. Toàn bộ tù nhân chiến tranh làm việc tại nhà máy của Volkswagen được quân đội Mỹ giải cứu và sau đó giao cho Anh quản lý.

Vào tháng 8 năm 1945, theo thoả thuận giữa Liên Xô, Hoa Kỳ và Anh tại hội nghị Potsdam, nhà máy sản xuất của Volkswagen phải tháo dỡ như là 1 phần trong hình phạt cho những gì nó đã gây ra trong chiến tranh thế giới thứ 2. Tuy nhiên, thiếu tá Ivan Hirst đã nhận ra tiềm năng của hãng xe này, và ông đã xin các quan chức được giữ lại nhà máy này. Sau đó, Volkswagen đã sản xuất 20.000 chiếc ô tô cho quân đội Anh xem như 1 phần chi phí bồi thường vì những gì nó đã gây ra tại nước Anh trong chiến tranh.

Và sau 13 năm chiếc xe đầu tiên của Volkswagen ra đời vào năm 1946. Dòng xe Beetle này được thiết kế khá đơn giản nhưng độc đáo với khung xe giống con bọ. Và dòng xe này cũng trở thành biểu tượng của Volkswagen cho đến ngày hôm nay.

Xe “con bọ” ra đời và trở thành thương hiệu của Volkswagen

 Năm 1948, Chính phủ Tây Đức đã được quân đội Anh gia quyền kiểm soát và vận hành nhà máy của Volkswagen. Sau này, quyền kiểm soát được trao cho Heinrich Nordhoff.

Sau khi tiếp quản Volkswagen, những người Đức đã có màn ra mắt và ghi điểm tuyệt đối cho những ai quan tâm đến ô tô lúc bấy giờ. Cùng lúc đó, chiếc xe thể thao mang tên Karmann Ghia được trình làng, mẫu xe này sau đó trở thành một trong những chiếc xe đẹp nhất trong thập niên 1950.

Vào những năm 1950, Beetle đã tạo nên cơn sốt trên toàn thế giới nhờ thiết kế nhỏ gọn và phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân sau chiến tranh. Từ con bài chính trị của Hitler, Beetle đã trở thành người bạn thân thuộc hàng ngày của người dân Châu Âu với giá khoảng 1.200 USD.

6 năm sau đó, Mỹ nhảy vào đầu tư và biến  Volkswagen thành một tập đoàn lớn để chuẩn hoá các quy trình dịch vụ và bán hàng tại Hoa Kỳ. Đây được xem là một bước khởi đầu và phát triển của Volkswagen sau 10 năm chiến tranh thế giới thứ 2 xảy ra khiến Đức và Mỹ là 2 phe đối lập.

Riêng năm 1958, hãng đã bán ra tới 450.000 chiếc xe trên toàn thế giới, với các chiến dịch quảng cáo độc đáo và thú vị, doanh số của Volkswagen vốn đã cao nay lại càng cao thêm cao. Không những thế, Volkswagen còn quảng bá thương hiệu bằng cách bắt tay với Disney sản xuất bộ phim “Herbie Love the Bug” về chiếc xe Herbie thông minh và đầy láu lỉnh cùng tay đua nữ Magie cá tính. Herbie thật ra là chiếc Volkswagen Beetle sản xuất năm 1963. Chiếc xe được xem là niềm khao khát lớn của những người phụ nữ lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, vào những 1970 khi những mẫu xe con bọ không còn sức hấp dẫn với người tiêu dùng nữa, Volkswagen có nguy cơ rơi vào thời kỳ suy thoái. Điều này đòi hỏi hãng phải có hướng đi mới để tồn tại và phát triển.

Những năm 1980, có thể nói là thời kỳ đen tối mà Volkswagen không muốn nhắc lại. Hàng loạt các nhà máy của hãng phải đóng cửa, doanh số của các mẫu xe cũng sụt giảm nghiêm trọng khiến cho Volkswagen điêu đứng.

Phải đến năm 1998, sau khi đã trải qua thời kỳ khủng hoảng lớn, Volkswagen mới bắt tay vào thay đổi thiết kế của mẫu Beetle để phù hợp với xu hướng hơn.

Vào những 2000, Volkswagen ra mắt mẫu xe Volkswagen New Beetle và Jetta thế hệ thứ tư đã thúc đẩy doanh số bán hàng của hãng tăng đáng kể ở Bắc Mỹ. Cơn sốt “Retro” khiến giới trẻ phát rồ và trở nên điên cuồng hơn.

Vào ngày 30 tháng 7 năm 2003, “con bọ” nguyên bản cuối cùng của hãng đã được sản xuất tại Mexico, sau hơn 21 triệu chiếc được bán ra thì chiếc xe này ngay lập tức được chuyển về bảo tàng của Volkswagen ở Wolfsburg.

Cá lớn nuốt cá bé

Nếu ví thị trường ô tô thế giới là 1 đại dương, thì Volkswagen là 1 con cá khổng lồ, sẵn sàng nuốt chửng những chú cá khác. Những cái tên đình đám lần lượt bị Volkswagen sáp nhập có thể kể đến bao gồm: Audi, Bentley, Bugatti, Lamborghini, Porsche… Ngoài ra Volkswagen còn nắm giữ khoảng 19,9% cổ phần tại Suzuki và là cổ đông chính tại hai hãng lớn ở Trung Quốc—FAW-Volkswagen và Volkswagen Thượng Hải.

Audi là hậu duệ của đội đua nổi tiếng một thời, được thành lập dựa trên sự hợp nhất 4 công ty Horch, Wanderer, Audi và DKm vào những năm 30 của thế kỉ XX. Vào ngày 24/4/1958 tập đoàn Daimler-Benz đã nhảy vào và mua lại khoảng 88% cổ phần của đội đua nổi tiếng này. Năm 1962, trước tình hình tài chính khó khăn, Daimler-Benz AG nhận thấy rằng bán đội đua nổi tiếng cho Volkswagen chính là giải pháp tốt nhất hiện giờ để giải quyết bài toán khó này.

Các thương hiệu đình đám dưới chướng của Volkswagen 

Năm 1966, với khoản tiền bỏ ra lên đến 297 triệu mác Đức, Volkswagen đã toàn quyền sở hữu đội đua nổi tiếng và Audi chính thức trở thành nhãn hiệu xe sang đầu tiên của tập đoàn này. Audi sau đó tiếp tục phát triển ngày một đi lên trở thành một cái tên lớn trong ngành công nghiệp ô tô của Đức nói riêng cũng như của thế giới nói chung.

Lamborgini được biết đến là một hãng xe nổi tiếng thuộc hạng top của thế giới hiện nay. Trụ sở chính được tọa lạc ở Sant’ Agata Bolognese, gần Bologna, Italy. Được thành lập vào năm 1963 với những dòng xe được thiết kế mang vẻ mạnh mẽ, nam tính và hoàn hảo cho đường đua, Lamborgini là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Ferrari và các hãng xe thể thao khác trong ngành công nghiệp xe hơi thể thao.

Tuy nhiên, tác động của cuộc suy thoái kinh tế thế giới năm 1973 lên Lamborgini. Và như một điều tất yếu, nó khiến cho tình hình kinh doanh của hãng bị giảm sút và trì trệ. Hãng phải “phiêu bạt’ qua nhiều đời chủ khác nhau trước khi về với nhà Audi vào năm 1998. Từ đó đến nay, nhờ vào Audi, Volkswagen đã đưa thương hiệu siêu xe nước Ý – được dân chơi xe gọi là “bò mộng” – phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những biểu tượng khi nhắc đến dòng xe thể thao siêu sang, siêu đắt tiền và siêu mạnh mẽ.

Nhắc đến phân cấp xe hạng sang, nếu bỏ qua Bentley thì sẽ là một thiếu sót lớn. Bentley được thành lập vào năm 1919 bởi người sáng lập là ông Walter Owen.

Năm 1988, hãng xe sang của Anh chính thức nối gót Lamborgini trở thành người một nhà cùng với Audi. Từ đó đến nay, Bentley tiếp tục phát triển và đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường ô tô thế giới.

Phi vụ mua bán qua lại giữa Volkswagen và Porsche đã từng tốn rất nhiều giấy mực của cánh truyền thông trên thế giới và cũng được xem là phức tạp và bất ngờ nhất trong lịch sử phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Hiện nay ai cũng biết rằng, Porsche là một thương hiệu thuộc sở hữu của tập đoàn Volkswagen. Tuy nhiên, đối với những ai không am hiểu và tìm hiểu về lĩnh vực ô tô thì sẽ ngờ rằng, Volkswagen đã từng thuộc về Porsche vào năm 2008 khi mà hãng xe này sở hữu 51% cổ phần của công ty.

Porsche từng có tham vọng thâu tóm toàn bộ cổ phần của Volkswagen chứ không chỉ riêng Volkswagen muốn “nuốt” chửng các hãng xe khác. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới ngay sau đó đã tác động lên và làm cho tham vọng này của Porsche tan vỡ cũng như thay đổi tình thế 180 độ. Kết quả kinh doanh yếu kém đã buộc Porsche phải bán đi tới 49,9% cổ phần của mình và cậy nhờ vào sự giúp đỡ từ Volkswagen.

Đến năm 2012, Volkswagen đã hoàn thành việc mua nốt hơn 50% số cổ phần còn lại và biến Porsche trở thành một thương hiệu riêng thuộc sở hữu của mình, với số tiền bỏ ra vào khoảng 8,4 triệu USD.

Nền công nghiệp ô tô trên thế giới vẫn đang tiếp tục phát triển. Các hãng xe lớn nhỏ cũng đang dần tạo lập và khẳng định vị thế của riêng mình. Chắc chắn tập đoàn ô tô nào cũng có tham vọng lớn như Volkswagen đã từng và sẽ tiếp tục, nhưng vấn đề là liệu Volkswagen sẽ tiếp tục “bành trướng” thế lực của mình, hay sẽ có một tập đoàn ô tô nào đứng lên và đánh bật vị thế của ông lớn này. Cuộc cạnh tranh khốc liệt trong nền công nghiệp ô tô vẫn đang phát triển, và tất cả những suy đoán bây giờ cũng chỉ là suy đoán. Chỉ có tương lai mới có thể trả lời cho tất cả những nghi vấn của chúng ta.