Nga đóng băng tài sản của tập đoàn ô tô Volkswagen của Đức

Công Thuận/ TTXVN 10:00 | 21/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo hãng tin Reuters, một tòa án Nga ngày 20/3 đã đóng băng tất cả tài sản của Volkswagen (hãng sản xuất ô tô hàng đầu của Đức) ở Nga.

Volkswagen, cùng với các nhà sản xuất ô tô nước ngoài khác, đã đình chỉ hoạt động tại Nga vào năm ngoái sau khi các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Moskva liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

 Logo của nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen. Ảnh: Reuters 

Volkswagen đang tìm cách bán các tài sản của mình ở Nga, bao gồm cả nhà máy quan trọng ở thành phố Kaluga, nơi có công suất sản xuất 225.000 xe mỗi năm và đã bị ngừng hoạt động kể từ tháng 3/2022.

Nhà sản xuất ô tô Nga GAZ, từng ký hợp đồng sản xuất xe Volkswagen tại nhà máy của họ ở Nizhny Novgorod, đã tạm dừng mọi hoạt động bán hàng sau vụ kiện nhà sản xuất ô tô Đức vì cáo buộc vi phạm hợp đồng. 

Trong hồ sơ tòa án, GAZ cho biết nỗ lực rút khỏi thị trường Nga của Volkswagen khiến lợi ích của chính họ gặp rủi ro và họ đang đòi bồi thường thiệt hại 15,6 tỷ rúp (hơn 200 triệu USD) vì hợp đồng bị chấm dứt.

Do đó, một tòa án Nga đã đồng ý đóng băng tất cả tài sản của Volkswagen tại Nga trong bối cảnh tranh chấp với GAZ.

Đầu tuần này, nhà sản xuất ô tô Séc Skoda Auto, một phần của tập đoàn Volkswagen, cho biết họ đang trong giai đoạn cuối cùng của thỏa thuận bán tài sản tại Nga.

Nga đã yêu cầu các công ty từ những quốc gia "không thân thiện" - những quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt lên Moskva - phải được một ủy ban của chính phủ chấp thuận cho việc bán bất kỳ tài sản nào của Nga.

Các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại Nga có thể chuyển sang quốc hữu hóa các tài sản chiến lược kể từ khi các hạn chế bán hàng được đưa ra.

Tháng 7 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin đã ban hành sắc lệnh giành toàn quyền kiểm soát dự án dầu khí Sakhlain-2 ở vùng viễn đông của Nga, sau khi đã tiếp quản gần 50% dự án từ Shell và hai công ty thương mại Nhật Bản.

Các nhà sản xuất ô tô hàng đầu khác của phương Tây đã rời khỏi thị trường Nga. Năm ngoái, Renault của Pháp đã bán phần lớn cổ phần của mình tại Avtovaz cho một tổ chức nhà nước của Nga với mức phí tượng trưng là 1 rúp - xóa sạch tài sản mà họ có trước đây trị giá 2,2 tỷ euro.

Ngành công nghiệp ô tô của Nga là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra.

Từng phụ thuộc vào đầu tư, thiết bị và phụ tùng của phương Tây, ngành sản xuất ô tô Nga năm ngoái đã giảm 67%, xuống mức thấp nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ.