Vốn ngoại 'tiếp sức' cho doanh nghiệp Việt

Trang Mai 14:45 | 29/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh các kênh huy động vốn trong nước như tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán đối diện với những khó khăn, dòng vốn ngoại đang nổi lên như một biện pháp “cứu cánh” cho nhiều doanh nghiệp, giúp các công ty ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, tạo đà tăng trưởng cho các năm tới.

Từ các doanh nghiệp bất động sản…

Mới đây, HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG) đã chấp thuận việc Công ty vay khoản vay ngắn hạn 10 triệu USD được cấp bởi The Shanghai Commercial & Savings Bank, Ltd. – Offshore Banking Branch (Khoản tín dụng SCSB – OBB).

Đồng thời, HĐQT AGG chấp thuận việc công ty vay một khoản tín dụng có giá trị 10 triệu USD được cấp bởi Ngân hàng The Shanghai Commercial & Savings Bank, Ltd. – Chi nhánh Đồng Nai (SCSB – Đồng Nai) để phát hành thư tín dụng dự phòng cho Công ty có hạn mức lên đến 10 triệu USD để đảm bảo cho khoản tín dụng SCSB – OBB (khoản tín dụng SCSB – Đồng Nai).

Trước đó, HĐQT AGG cũng phê duyệt khoản vay có giá trị tối đa 15 triệu USD được cấp bởi Hana Pte Limited. Khoản vay này sau đó được điều chỉnh lên 18 triệu USD.

Nằm trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường bất động sản, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – Mã: NVL) cũng đang lên kế hoạch vay 40 triệu USD từ VietinBank Filiale Deutschland (chi nhánh của VietinBank tại Đức) và Maybank Labuan (chi nhánh của Maybank tại Malaysia).

Trước đó, vào tháng 8, HĐQT NVL cũng thông qua giao dịch bảo đảm nghĩa vụ vốn vay của công ty đối với khoản vay 100 triệu USD từ Quỹ đầu tư Credit Opportunities III Pte. Limited (Singapore).

… đến ngân hàng

Không chỉ các doanh nghiệp, một số ngân hàng thời gian qua cũng thành công trong việc huy động vốn vay quốc tế như: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB).

Cụ thể, ngày 11/11, VPBank cho biết đã ký thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD (tương đương gần 12.500 tỷ đồng) từ năm định chế tài chính lớn, bao gồm: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd. – thành viên của Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank.

Nguồn vốn từ khoản vay này sẽ được VPBank sử dụng để đáp ứng các nhu cầu tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 4, VPBank cũng được giải ngân khoản vay hợp vốn 600 triệu USD từ các định chế tài chính lớn của châu Á như SMBC, Maybank, Ngân hàng Cathay United Bank, Ngân hàng CTBC và Ngân hàng Trung ương Ấn Độ.

Về phía SeABank, trong tháng 11, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) đã ký kết cho ngân hàng này vay 200 triệu USD với thời hạn 7 năm. Nguồn vốn này sẽ được sử dụng để cấp khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án liên quan đến tiết kiệm năng lượng và các khách hàng bán lẻ.

Hồi đầu năm nay, SeABank cũng được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và 5 quỹ đầu tư quốc tế gồm Banque Internationale de Commerce-BRED, BlueOrchard Microfinance Fund, KASIKORNBANK PCL, OPEC và responsAbility Investments AG cấp gói tín dụng trị giá 220 triệu USD nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và tài trợ chống biến đổi khí hậu.

Cũng trong tháng 11, VIB công bố đã được IFC giải ngân khoản vay trị giá 150 triệu USD (tương đương 3.700 tỷ đồng), kỳ hạn 5 năm. Ngân hàng này dự kiến dành hơn 45 triệu USD (tương đương 1.100 tỷ đồng) để tài trợ cho các khoản mua nhà có giá trị dưới 35.000 USD (khoảng 870 triệu đồng).

Trước đó, vào tháng 3, VIB cũng huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 260 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cùng một số ngân hàng lớn trong khu vực.

Mô hình doanh nghiệp có tác động đáng kể đến khả năng huy động vốn

Chia sẻ trong hội thảo Quản lý dòng tiền và huy động vốn - Sự sống còn của doanh nghiệp, Chuyên gia kinh tế Đặng Hà Lâm, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch VOC Capital;  nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành The Noodle House & Gemini Coffee Chain cho biết: “Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đa phần huy động vốn từ vốn chủ sở hữu và đi vay là chính. Với mô hình như vậy, nguồn lực doanh nghiệp rất yếu, nhất là khi không có đủ tiền để phát triển theo mong muốn hay theo sự phát triển của Công ty. 

... Vay càng nhiều sẽ khiến tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu càng cao. Điển hình như Vingroup, tổng nợ đã gấp 3 lần vốn chủ sở hữu. Mô hình doanh nghiệp sẽ quyết định có vay được vốn hay không”. 

Cũng tại hội thảo, chuyên gia Đặng Hà Lâm đã phân tích sự khác biệt giữa 2 mô hình kinh doanh chủ yếu trong các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là Công ty truyền thống (Công ty cá nhân) và Công ty cơ chế vốn (Công ty xã hội).

Cụ thể, với mô hình Công ty truyền thống sử dụng vốn vay là chính, vốn chủ sở hữu ít. Đây cũng là lý do các doanh nghiệp khó huy động vốn, không có đủ nguồn lực để phát triển. "Khi sử dụng vốn vay, giá trị công ty không được công nhận, trong khi các đơn vị cho vay chỉ quan tâm đến giá trị tài sản đảm bảo. Việc phát triển doanh nghiệp từ nguồn vốn hữu hạn có khả năng sẽ kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, thậm chí gây gãy dòng tiền", ông Lâm nói.

Với mô hình này, doanh nghiệp vận hành khó khăn và thiếu nguồn lực, kéo theo đó là rủi ro rất cao. Đặc biệt là giá trị thấp, thanh khoản kém, khó để định giá.  

Với mô hình Công ty cơ chế vốn (lấy vốn làm trọng tâm): Lấy ví dụ Thế giới di động (TGDĐ, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đi lên từ những cửa hàng đơn lẻ, sau đó gọi vốn chủ sở hữu tăng lên từ người thân, bạn bè hay quỹ đầu tư (Mekong Capital đầu tư vào TGDĐ 3,5 triệu USD, tương ứng 35% cổ phần). Như vậy, doanh nghiệp sẽ hoạt động trên vốn cộng đồng, xã hội, không phải vốn từ cá nhân. Với hình thức này, doanh nghiệp cũng vay ngân hàng rất ít, thường dưới 30% vốn chủ sở hữu. 

Doanh nghiệp vận hành theo mô hình cơ chế vốn, theo vị chuyên gia, thường có xu hướng tăng trưởng bền vững nhờ lượng tiền mặt dồi dào. Cùng đó là tính rủi ro thấp hơn và tính thanh khoản cũng tăng dần lên sau một thời gian kinh doanh.