World Bank - ADB 'chia rẽ' khi đánh giá tác động chiến sự Ukraine với châu Á

Thùy Dung 16:32 | 06/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đang có những góc nhìn tương đối khác nhau về tác động của chiến sự ở Ukraine đến các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Hai góc nhìn về tác động của chiến sự ở Ukraine

Trong báo cáo triển vọng kinh tế năm 2022 do World Bank công bố hôm 5/4, tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng chung của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương xuống mức 5%. Con số này thấp hơn đáng kể dự báo tăng trưởng 5,4% mà World Bank đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái. World Bank cảnh báo rằng chiến sự ở Ukraine đang thực sự đe dọa sự phục hồi và phát triển không đồng đều của các nền kinh tế trong khu vực.

Chuyên gia kinh tế trưởng World Bank Aaditya Mattoo nhận định: “Không nghi ngờ gì, chiến sự ở Ukraine sẽ trì hoãn đà phục hồi của khu vực”.

Theo vị này, các cú sốc giá nay sự giảm sút niềm tin kinh doanh sẽ làm gia tăng sự biến động trên thị trường tài chính và cản trở đà tăng trưởng chung. Cụ thể, giá nhiên liệu tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nền kinh tế nhập khẩu nhiên liệu ròng bao gồm Campuchia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam, trong khi các nhà xuất khẩu nhiên liệu như Indonesia và Malaysia ít bị tổn thương hơn.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc kiên trì lập trường Zero COVID và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ cũng gây một số áp lực nhất định với một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trong khu vực.

Trong khi ADB duy trì quan điểm lạc quan về triển vọng tăng trưởng của một số nền kinh tế trong khu vực, World Bank cho thấy sự thận trọng hơn (Ảnh: Nikkei Asia)

Khác với góc nhìn thận trọng của World Bank, báo cáo triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương do ADB công bố hôm 6/4 lại cho thấy một bức tranh nhiều tín hiệu sáng. ADB dự báo tăng trưởng toàn châu Á ở mức khoảng 5,2% trong năm nay bất chấp nhiều thách thức như sự gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài và áp lực giá toàn cầu do căng thẳng Nga - Ukraine.

Mặc dù đồng tình rằng lập trường Zero COVID của Trung Quốc có thể tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, ông Albert Park, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng ADB nhận định trên tờ Nikkei Asia: “Dự báo về tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của châu Á năm nay phản ánh sự lạc quan của chúng tôi về tiềm năng tăng trưởng trong khu vực”.

Theo vị này, lạm phát tại các nền kinh tế châu Á đang được kiểm soát ở mức thấp hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới; giá lương thực, thực phẩm thiết yếu như gạo và thịt lợn giảm so với năm 2021. “Chúng tôi lạc quan một cách thận trọng rằng lạm phát sẽ không trở thành vấn đề lớn tại châu Á như những gì đang diễn ra với các khu vực khác trên thế giới”, ông Park nói thêm.

Một điểm mà các chuyên gia kinh tế từ ADB và World Bank tỏ ra đồng quan điểm là dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ của các Chính phủ không còn quá dồi dào. Ông Mattoo từ World Bank cho hay: “Các Chính phủ có thể có ít công cụ hơn để đối phó với các rủi ro. Dư địa tài khóa bị thu hẹp vì nợ tăng lên, dư địa tiền tệ cũng bị thu hẹp vì lạm phát nóng lên”.

Ông Park của ADB cũng đồng tình: “Ngay từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, các Chính phủ trong khu vực đã tỏ ra rất quyết liệt trong nỗ lực ứng phó với khủng hoảng và hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng họ chắc chắn không đủ khả năng để duy trì các hỗ trợ từ năm này qua năm khác vì thâm hụt ngân sách đã bắt đầu trở thành vấn đề”.

Những dự báo khác nhau cho Việt Nam

Với nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia World Bank hạ mạnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 xuống 5,3% ở kịch bản cơ bản. Trong kịch bản xấu hơn, tăng trưởng GDP thậm chí được dự báo có nguy cơ chỉ đạt 4,4%. Chỉ 6 tháng trước, trong kỳ dự báo hồi tháng 10/2021, World Bank kỳ vọng Việt Nam đạt tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2022.

Các chuyên gia World Bank nhận định với trị giá nhập khẩu dầu lên tới 3% GDP, Việt Nam là một trong những nền kinh tế chịu tác động đáng kể khi giá dầu thô thế giới tăng nhanh. Đồng thời, giá nguyên vật liệu thế giới bao gồm sắt, thép.. tăng mạnh cũng gây tác động đến nhập khẩu lạm phát, làm gia tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp do đặc thù của một nền kinh tế có độ mở cao.

World Bank hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 trong khi ADB duy trì dự báo tăng trưởng lạc quan như cũ (Ảnh: Reuters)

Khác với động thái hạ dự báo của World Bank, phía ADB tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 6,5% khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.

Cụ thể, ADB kỳ vọng sự phục hồi của thị trường lao động cũng như Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trị giá 350 nghìn tỷ có thể thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp lên mức dự kiến 9,5% năm 2022.

Đồng thời, sản lượng nông nghiệp được kỳ vọng tăng 3,5% do nhu cầu trong nước phục hồi và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng.

Với ngành dịch vụ, ADB dự báo mức tăng trưởng 5,5% trong năm khi du lịch phục hồi và tốc độ giải ngân đầu tư công nhanh chóng tạo động lực cho xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan.

Nhận định một số rủi ro như số ca nhiễm COVID-19 tăng cao có thể cản trở quá trình trở lại bình thường của nền kinh tế, đồng thời tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại và giá dầu thế giới tăng cao do xung đột Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sức ép lạm phát, ADB vẫn tin tưởng tỷ lệ tiêm phòng vaccine COVID-19 cao cùng với việc thúc đẩy thương mại cũng như các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng sẽ mở ra cơ hội sáng cho Việt Nam phục hồi kinh tế.