World Bank dự báo nền kinh tế Ukraine theo chiều hướng xấu
Tờ Al Jazeera đưa tin Ngân hàng Thế giới (World Bank) ngày 10/4 cho biết sản lượng kinh tế Ukraine có nguy cơ suy giảm 45,1% trong năm nay trong bối cảnh chiến sự buộc các doanh nghiệp đóng cửa, năng lực sản xuất và xuất khẩu suy yếu. Đây là đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới về tác động kinh tế của cuộc chiến tại Ukraine.
“Kết quả phân tích rất đáng quan tâm. Dự báo của chúng tôi cho thấy cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm đảo ngược quá trình phục hồi của khu vực hậu đại dịch”, bà Anna Bjerde, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực châu Âu và Trung Á cho hay.
Theo bà Bjerde, đây là cú sốc lớn thứ hai giáng vào nền kinh tế khu vực trong 2 năm qua. Đây cũng là thời điểm khu vực phải đối diện nhiều nguy cơ do các nền kinh tế vẫn đang chật vật phục hồi từ đại dịch.
Ngân hàng Thế giới đồng thời đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Nga có nguy cơ giảm tốc 11,2% do các lệnh trừng phạt tài chính mà Mỹ và các đồng minh phương Tây áp đặt đối với các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức khác của Nga.
Cũng theo đánh giá của tổ chức này, khu vực Đông Âu, bao gồm Ukraine, Belarus và Moldova, được dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng GDP giảm tốc khoảng 30,7% trong năm nay do những cú sốc từ chiến sự và gián đoạn thương mại.
Ngoài Nga và Ukraine, Ngân hàng Thế giới ước tính các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở khu vực châu Âu và Trung Á cũng chứng kiến tăng trưởng GDP suy yếu 4,1% trong năm nay. Đây là cú đảo chiều rõ rệt so với mức dự báo tăng trưởng 3% trước xung đột, và tác động còn tồi tệ gấp đôi so với đợt suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra trong năm 2020.
Ngày 10/4, Tổng thống Ukraine, ông Zelensky tiếp tục kêu gọi các quốc gia phương Tây, trong đó có Đức, tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã thảo luận về "các biện pháp tăng cường trừng phạt với Nga và buộc Nga đi tới hòa bình".
Ở một diễn biến khác, Giám đốc chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Frans Timmermans cho hay EU có thể đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn trong việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo khi khu vực này tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế cho nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga.
Ủy ban châu Âu đã đề xuất EU cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm nay và đang soạn thảo kế hoạch loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt Nga vào năm 2027. Ủy ban dự kiến sẽ đề xuất một kế hoạch "Tiếp sức cho EU" trong tháng 5, trong đó đưa ra lộ trình chi tiết để khối này chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.