Xây dựng Hòa Bình (HBC): Lãi vay gấp 35 lần lãi tiền gửi, lỗ ròng quý III hơn 170 tỷ đồng

Trang Mai 13:40 | 01/11/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau quý II khi nhận lãi đột biến chủ yếu do thanh lý tài sản cố định, vật tư, CTCP Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) "quay lại" sự khó khăn khi lỗ quý III/2023 hơn 170 tỷ đồng.

Lỗ hơn 880 tỷ sau 3 quý kinh doanh

Theo đó, HBC  ghi nhận doanh thu giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1.893 tỷ đồng. Giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận gộp giảm gần 86% còn 40 tỷ đồng. 

Trong kỳ, HBC đã tiết giảm chi phí quản lý doanh nghiệp xuống 79 tỷ, giảm gần một nửa, song chi phí lãi vay tăng 18% lên 145 tỷ đồng. Chi phí này gấp 36 lần lãi tiền gửi, tiền cho vay mà doanh nghiệp thu được trong quý III. Kết quả, HBC lỗ sau thuế 170 tỷ đồng (cùng kỳ có lãi hơn 5 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 168 tỷ đồng, trong khi quý III/2022 lãi 6 tỷ đồng. 

Trước đó, trong quý II, tập đoàn thu về lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt mức 585 tỷ đồng và 546 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 748% và 1.113% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng ghi nhận tăng trưởng 82% lên mức 102 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng mạnh lợi nhuận ròng trong quý II của Tập đoàn chủ yếu đến từ thanh lý tài sản cố định, vật tư mà không phải từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

 

Lũy kế 9 tháng, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu 5.355 tỷ đồng, giảm một nửa so với thực hiện năm ngoái. Công ty này cũng báo lỗ 880 tỷ đồng sau 3 quý vừa qua, vượt vốn điều lệ. Năm 2023, HBC đặt kế hoạch tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Như vậy, Tập đoàn mới đạt 43% chỉ tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi.

Tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức ngày 17/10 vừa qua, ông Lê Viết Hiếu - Phó Chủ tịch HĐQT cho biết, khả năng để doanh nghiệp đạt được kế hoạch kinh doanh 2023 thật sự khó khăn. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu mảng xây dựng của Tập đoàn, các chủ đầu tư vẫn chưa xử lý được vấn đề pháp lý cũng như bán hàng.

Xây dựng Hòa Bình có kế hoạch chuyển nhượng 100% vốn tại công ty con là Công ty TNHH Máy Xây dựng Matec cho Ashita Group, dự kiến thu về 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị huỷ bỏ. Vì vậy, Tập đoàn ước tính doanh thu hợp nhất năm 2023 sẽ đạt 7.800 tỷ đồng, còn lợi nhuận âm.

Về tình hình tài chính, tại thời điểm cuối quý III, quy mô tài sản của Xây dựng Hoà Bình gần 13.670 tỷ đồng, giảm 12% (tương đương 2.000 tỷ) so với hồi đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là khoản phải thu ngắn hạn với giá trị 8.857 tỷ đồng, giảm hơn 1.800 tỷ đồng so với đầu năm. Tập đoàn đã phải trích lập dự phòng 2.505 tỷ đồng cho các khoản phải thu khó đòi, tăng 446 tỷ đồng so với đầu năm. 

Tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn ghi nhận 548 tỷ đồng, đầu tư vào công ty liên kết gần 342 tỷ đồng, gấp 1,2 lần so với đầu năm (trong kỳ, tập đoàn đã góp hơn 193 tỷ đồng vào CTCP Bất động sản Thành Ngân).

Tổng nợ vay của Xây dựng Hoà Bình tại ngày 30/9/2023 là 5.150 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm nhưng gấp 15 lần vốn chủ sở hữu, chủ yếu là nợ từ các ngân hàng. Tổng chi phí lãi vay 9 tháng là 419 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng tại ĐHĐCĐ bất thường vừa qua, lãnh đạo doanh nghiệp thông tin đã  tất toán công nợ 1.327 tỷ đồng tại 7 ngân hàng trong ngày 16/10 và dư nợ còn lại tại các ngân hàng này khoảng 4.756 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT lên tiếng khi cổ phiếu vào diện theo dõi đặc biệt

Trên sàn chứng khoán, do liên tục chậm trễ nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán cùng lợi nhuận trên báo cáo tài chính là con số âm, cổ phiếu HBC đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) chuyển từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch và theo dõi đặc biệt.

Mới đây, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT đã có văn bản gửi HoSE giải trình biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát và hạn chế giao dịch; giải trình biện pháp và lộ trình khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị cảnh báo.

Theo ông Hải, vào ngày 10/5, Tập đoàn Hòa Bình nhận được quyết định của HoSE về việc chuyển cổ phiếu của công ty từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 30 ngày so với thời hạn quy định. Đến 18/5, Hòa Bình nhận được quyết định đưa cổ phiếu từ diện kiểm soát lên diện hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Giải trình về việc khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát và hạn chế giao dịch, ông Hải khẳng định, thời gian qua, Tập đoàn Hòa Bình đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị kiểm toán để hoàn thành và công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 vào ngày 30/6. Trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quy định về công bố thông tin theo đúng thời hạn.

Ngày 10/7, Hòa Bình nhận được quyết định đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022 là số âm.

Ông Hải cho rằng, trong tình hình ngành xây dựng, bất động sản bị tác động bởi nhiều biến cố bất lợi, Hòa Bình đã và đang thực hiện tái cấu trúc toàn diện để cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và vượt qua khủng hoảng.

Cụ thể, tăng vốn bằng hình thức phát hành cổ phiếu với số lượng phát hành tối đa 274 triệu đơn vị, giá phát hành 12.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị 3.288 tỷ đồng. Trong đó, phát hành 54 triệu cổ phiếu riêng lẻ, trị giá 648 tỷ đồng để hoán đổi công nợ với các nhà cung cấp, thầu phụ. Phát hành 220 triệu cổ phiếu, giá chào bán 12.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị 2.640 tỷ đồng. Thời gian triển khai dự kiến trong năm 2023 - 2024.

Tập đoàn cũng có định hướng mở rộng thị trường xây dựng các công trình công nghiệp, cơ sở hạ tầng, nhà ở xã hội và thị trường nước ngoài. Theo ông Hải, giai đoạn 2023 - 2024 dự báo là cao điểm của giải ngân đầu tư công nên Hòa Bình sẽ tham gia dự thầu các dự án tiềm năng, tăng tỷ trọng doanh thu trong mảng hạ tầng.

Với mảng xây dựng công nghiệp, Hoà Bình tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển giá trị trong thị trường công nghiệp chế biến, chế tạo theo làn sóng dịch chuyển đầu tư đến Việt Nam. Ở mảng xây dựng dân dụng, do thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, Hòa Bình định hướng chọn khách hàng phải có uy tín và tiềm lực tài chính tốt, chủ yếu đấu thầu xây dựng các công trình có chủ đầu tư nước ngoài, nguồn vốn FDI.

Đồng thời, Hòa Bình sẽ huy động nguồn nhân lực tối đa phục vụ cho công tác thu hồi nợ tồn đọng. Sử dụng nhiều giải pháp hiệu quả để thu hồi nợ, gồm giải quyết tranh chấp công nợ qua tòa án kinh tế hoặc trọng tài quốc tế.

“Chúng tôi tin tưởng sẽ thành công trong chiến lược tái cấu trúc toàn diện đã đề ra. Mục tiêu của Hòa Bình là đảm bảo cân đối dòng tiền trong ngắn hạn để duy trì hoạt động liên tục và khôi phục tốc độ tăng trưởng từ 30% - 40% doanh thu trong 5 năm tới”, ông Hải nói.