Xây dựng Hòa Bình kinh doanh ra sao khi giá vật liệu tăng cao?
Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu thuần đạt gần 4.100 tỷ đồng, tăng trưởng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên biên lãi gộp lại giảm nghiêm trọng từ 6,1% cùng kỳ về dưới 3,3%.
Bên cạnh sự suy giảm về hiệu quả mảng kinh doanh chính, Hòa Bình còn ghi nhận chi phí lãi vay tăng vọt 78% so với cùng kỳ lên 143 tỷ đồng, chi phí quản lý tăng 30% lên 122 tỷ đồng.
Điểm sáng hỗ trợ cho kết quả kinh doanh đến từ doanh thu tài chính gấp 2,8 lần cùng kỳ đạt 183 tỷ đồng, chủ yếu nhờ bán các khoản đầu tư chiếm 126 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn có thu nhập khác hơn 49 tỷ đồng từ tiền lãi chậm thanh toán.
Những biến động kể trên dẫn đến lợi nhuận sau thuế của Hòa Bình giảm 14% so với cùng kỳ về mức 50 tỷ đồng, dù vậy con số này vẫn cải thiện đáng kể so với 3 quý liền trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Bình đạt doanh thu thuần hơn 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 60 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh năm nay, nhà thầu xây dựng này đã đạt khoảng 40% doanh thu nhưng chưa hoàn thành nổi 20% chỉ tiêu lợi nhuận sau 6 tháng.
Năm nay, nhà thầu xây dựng này đặt mục tiêu với 17.500 tỷ đồng tổng doanh thu và 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy kết quả nửa đầu năm đã đạt 40% tiến độ doanh thu và mới 17% chỉ tiêu lợi nhuận.
Lãnh đạo Xây dựng Hòa Bình từng đánh giá kế hoạch kinh doanh là khá tham vọng khi đang đối mặt với giá vật liệu xây dựng tăng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên doanh nghiệp còn có lợi nhuận từ việc bán các dự án bất động sản như Ascent Garden, Ascent Cityview, Ascent Plaza và Ascent Lakeside.
Tính đến hết tháng 6, quy mô tổng tài sản tăng khoảng 10% (gần 1.700 tỷ) so với đầu năm lên 18.255 tỷ đồng. Phần tăng lên chủ yếu do các khoản phải thu ngắn hạn tăng thêm 1.425 tỷ lên gần 13.000 tỷ đồng.
Cụ thể, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng thêm 226 tỷ so với đầu năm, khoản phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng tăng 563 tỷ, phải thu ngắn hạn khác tăng 572 tỷ... và đồng thời công ty còn trích lập dự phòng 378 tỷ nợ phải thu ngắn hạn khó đòi.
Trong khi đó doanh nghiệp lại đẩy mạnh chính sách vay nợ. Trong đó nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 762 tỷ so với đầu năm lên 5.461 tỷ đồng, vay nợ tài chính dài hạn tăng thêm 676 tỷ lên mức 1.074 tỷ đồng.
Thực tế trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm đến 1.365 tỷ đồng kể từ đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái chất lượng dòng tiền khá tốt với mức dương 692 tỷ đồng. Nguyên nhân dòng tiền kinh doanh chuyển sang trạng thái âm chủ yếu do tăng các khoản phải thu.
Ngày 23/7 vừa qua, Tổng giám đốc Hòa Bình Lê Viết Hiếu vừa thôi chức sau tròn hai năm được bổ nhiệm. Ông Hiếu sinh năm 1992, là con trai của nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Hòa Bình Lê Viết Hải. Ông Hiếu vẫn ở lại Hòa Bình và chuyển sang làm Phó tổng giám đốc thường trực.
Ông Hiếu lấy bằng cử nhân quản trị kinh doanh tại Mỹ. Sau khi về nước, ông làm việc tại Ngân hàng Shinhan trước khi gia nhập công ty của cha từ năm 2016 với vị trí Phó giám đốc phát triển thị trường nước ngoài. Tháng 7/2020, ông Hiếu được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Hòa Bình.
Việc ông chủ Hòa Bình chuyển giao vị trí CEO cho con trai vào năm 2020 diễn ra ở thời điểm quy định pháp lý yêu cầu chủ tịch không được kiêm nhiệm tổng giám đốc của cùng một công ty đại chúng. Trong năm đó, chủ tịch nhiều doanh nghiệp lớn như REE, SSI cũng chuyển giao chức tổng giám đốc cho người kế nhiệm.
Trên sàn chứng khoán, thị giá HBC đóng cửa phiên 27/7 ở mức 20.550 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường của Hòa Bình đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu HBC mất hơn 30% giá trị nhưng riêng trong một tháng gần nhất đã tăng mạnh gần 20%.