Làn sóng hạ dự báo lợi nhuận ngành bán lẻ Mỹ do xu hướng tiêu dùng thay đổi
Walmart, nhà bán lẻ hàng tạp hóa lớn nhất nước Mỹ, cho biết các mặt hàng thiết yếu thường ngày đang tiêu tốn nhiều ngân sách của các hộ gia đình hơn và khiến người mua khó khăn hơn trong việc chi tiêu cho các mặt hàng họ muốn, chẳng hạn như quần áo mới. Walmart cho biết họ sẽ phải giảm giá sâu hàng thời trang và tạp hóa để loại bớt hàng hóa tồn kho, gây tổn hại đến biên lợi nhuận của họ.
Đối với thị trường chứng khoán Phố Wall, thông báo này như một lời cảnh báo khác. Nó làm gia tăng mối lo ngại về việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng và dấy lên hoài nghi rằng liệu lạm phát có khiến các cuộc mua sắm thỏa sức sau đại dịch chấm dứt sớm hay không. Các nhà bán lẻ lớn bao gồm Walmart và Macy’s dự kiến sẽ công bố báo cáo kết quả kinh doanh chính thức vào giữa tháng Tám tới.
Ông Steph Wissink, nhà phân tích mảng bán lẻ của công ty dịch vụ tài chính Jefferies, cho biết: “Đây là một cái nhìn sơ lược về những thách thức trước mắt đối với ngành bán lẻ và các quyết định dẫn tới diễn biến tiếp theo sẽ phục thuộc vào các hộ gia đình. Mặc dù các nhà kinh tế không tuyên bố nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, song ôngWissink cho biết nước Mỹ có vẻ chắc chắn đang rơi vào tình trạng “suy thoái ngành bán lẻ hàng hóa tiêu dùng”.
Walmart cho biết lợi nhuận cả năm nay của “ông lớn” này có thể giảm 11-13%, thay vì 1% như dự đoán trước đó. Lợi nhuận trên một cổ phiếu được dự đoán giảm 10-12% cho cả năm và giảm khoảng 8-9% trong quý II/2022.
Triển vọng kinh doanh mới được cập nhật của Walmart được đưa ra khi các nhà đầu tư sàng lọc các dữ liệu trái chiều trong nhiều tháng qua. Thị trường lao động Mỹ vẫn vững mạnh, nhưng tâm lý người tiêu dùng đã yếu đi. Lạm phát của nước này đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng các sân bay vẫn nhộn nhịp với du khách vào mùa Hè. Hàng nghìn khách hàng của Netflix- dịch vụ phát video trực tuyến- đã hủy đăng ký, nhưng McDonald’s và Coca-Cola cho biết mọi người hiện đã sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho bánh mì kẹp thịt và nước ngọt.
Các yếu tố khác cũng làm “bức tranh” thêm phức tạp. Các nhà bán lẻ đang vượt qua thời kỳ khó khăn khi người mua sắm có thêm tiền từ gói cứu trợ “khổng lồ” của Chính phủ và tiết kiệm từ những gì họ thường chi cho các dịch vụ như thẻ tập thể dục, khách sạn và ăn uống. Xu hướng mua sắm liên quan đến đại dịch như các thiết bị nhà bếp, thiết bị tập luyện và quần áo theo phong cách thoải mái là những danh mục hàng hóa hiện không còn được ưa chuộng.
Ông Craig Johnson, người sáng lập công ty tư vấn bán lẻ Customer Growth Partners, cho biết sự sụt giảm trong hoạt động chi tiêu hàng tiêu dùng chủ yếu là do các hộ gia đình có thu nhập thấp chi tiêu nhiều hơn cho những thứ thiết yếu trong thời kỳ lạm phát. Trong khi đó, những người có thu nhập cao hơn đang chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ như du lịch và giải trí thay vì các sản phẩm tiêu dùng thường ngày. Ông Johnson nói: “Động thái cắt giảm dự báo lợi nhuận của Walmart hầu như không gây ngạc nhiên và có thể là tiên phong cho một loạt các thông báo tương tự từ các nhà bán lẻ khác”.
Target là một trong những công ty đầu tiên phát tín hiệu về triển vọng kinh doanh đầy biến động trước mắt. Nhà bán lẻ này đã cắt giảm dự báo tỷ suất lợi nhuận hai lần, nói rằng họ sẽ phải hủy đơn đặt hàng và giảm giá mạnh hơn để loại bỏ các hàng hóa không còn phù hợp. Các mặt hàng tồn kho như TV, xe đạp và thiết bị gia dụng, vốn phổ biến trong thời kỳ đại dịch, là những mặt hàng mà họ muốn giải phóng để dành không gian cho hàng hóa liên quan tới mùa tựu trường và các kỳ nghỉ lễ.
Trong khi đó, một loạt nhà bán lẻ gồm Kohl’s, Gap, Bath & Body Works và Bed Bath & Beyond đã đưa ra cảnh báo về lợi nhuận trong vài tuần qua. Và một số công ty, bao gồm dịch vụ tạo kiểu tóc cá nhân trực tuyến Stitch Fix, nhà bán lẻ trò chơi điện tử GameStop và công ty thương mại điện tử Shopify đã thông báo sa thải nhân viên.
Các nhà phân tích tại Deutsche Bank dự kiến sẽ chứng kiến “làn sóng” cắt giảm lợi nhuận cả năm từ tất cả các nhà bán lẻ hàng may mặc. Dữ liệu thẻ tín dụng từ Bank of America cho thấy, doanh số bán quần áo ở Mỹ đã giảm kể từ tuần kết thúc vào ngày 12/3 và giảm 15,6% so với hồi đầu năm trong tuần kết thúc vào ngày 2/7.