Xây dựng thương hiệu điểm đến để du lịch Việt cất cánh
18:32 | 09/04/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều lợi thế để thu hút khách du lịch quốc tế, như có thêm nhiều đường bay thẳng hơn trước; thị thực nới lỏng; văn hóa, lối sống, ẩm thực đa dạng và thiên nhiên hoang sơ… Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, du lịch Việt vẫn yếu khâu xây dựng thương hiệu cho điểm đến.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, hằng năm du lịch Việt Nam tăng trưởng trung bình trên 20%. Với 15,5 triệu lượt khách trong năm 2018 có tới 12 triệu khách đến từ thị trường châu Á, chiếm 77,9%, trong đó khách Trung Quốc gần 5 triệu, chỉ 13,1% đến từ châu Âu, vỏn vẹn 903.000 lượt đến từ châu Mỹ, chiếm 5,8% và châu Úc đạt 437.819 lượt khách, chiếm 3,2%.
Đánh giá về vấn đề này, ông Phạm Hà, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Sang trọng Việt Nam (Luxury Travel) cho rằng, rõ ràng cơ cấu nguồn khách rất không cân đối, quá chênh lệch, nhất là từ châu Âu và châu Á. Bên cạnh đó, chỉ tính riêng khách Hàn Quốc và Trung Quốc, số lượng đã chiếm phân nửa tổng khách vào Việt Nam trong năm qua. Trong khi đó, những thị trường khách có chất lượng đến từ châu Âu và Mỹ chưa tăng trưởng mạnh. Khách nội địa cũng ngày càng chọn du lịch trải nghiệm và đi nhiều hơn, 80 triệu mỗi năm theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam năm 2018.
Bên cạnh đó, ông Hà nhìn nhận, du lịch Việt Nam chưa định hình được hình ảnh thương hiệu điểm đến trong tâm trí khách hàng mục tiêu. Thừa sản phẩm du lịch giống nhau, thiếu sản phẩm độc đáo. Đặc biệt, du lịch Việt Nam thiếu nhiều sản phẩm du lịch đem lại cho du khách những trải nghiệm du lịch mới, chân thực, thú vị, gắn bó sâu sắc với đời sống, văn hoá, di sản và lịch sử của điểm đến. Bởi nhu cầu của khách hàng ngày nay không còn chỉ tham quan nghỉ dưỡng đơn thuần mà luôn tìm những trải nghiệm du lịch mới, chân thực, thú vị và muốn tìm hiểu sâu sắc đời sống, văn hóa, di sản và lịch sử của điểm đến.
Do đó, ông Phạm Hà nhận định, có bốn vấn đề lớn mà du lịch Việt Nam cần gấp rút tháo gỡ là cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch và xúc tiến hiệu quả. Việc đặt văn phòng du lịch nước ngoài là cần thiết trong chiến lược xúc tiến, đặc biệt là những thị trường mục tiêu. Tuy nhiên, văn phòng du lịch nước ngoài chỉ hiệu quả khi giải các bài toán trên, các cơ chế visa thân thiện như miễn hẳn, đường bay thuận lợi và có đường bay trực tiếp tại thị trường trọng tâm có văn phòng xúc tiến du lịch.
Đồng thời, Chính phủ cần có sự chỉ đạo tạo thuận lợi cho các công ty tạo ra những sản phẩm du lịch mới độc đáo để thu hút khách và giúp họ ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn mỗi điểm đến. Du lịch tạo ra điểm đến tốt hơn để người dân sinh sống và đẹp hơn để khách đến thăm. Đơn cử như Hà Nội cần phát triển du thuyền trên Hồ Tây và sông Hồng, kết nối với các tỉnh khác bằng đường sông. Để được như vậy, cảng thủy nội địa phải làm ngay và khuyến khích các công ty có tâm, tầm làm du lịch.
Với 22 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực du lịch và nghỉ dưỡng tại Việt Nam, ông Kai Marcus Schroter, Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management (HTM) cho biết, mặc dù Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn trên thế giới, nhưng vẫn còn đó những khó khăn cần được khắc phục. Dễ thấy nhất là hoạt động làm thương hiệu cho điểm đến. Tổng giám đốc HTM cho rằng, Việt Nam có rất nhiều hình ảnh đẹp, nhưng vì hoạt động quảng bá, xúc tiến chưa tốt, nên nhiều khách du lịch chưa biết tới Việt Nam.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng nói chung phục vụ cho hoạt động du lịch ở Việt Nam theo ông Kai Marcus Schroter vẫn còn nhiều hạn chế. Các chính sách cho người nước ngoài, khách du lịch chưa thực sự thuận lợi. Điển hình như chính sách VISA cần linh động hơn.
Cũng theo vị này, hoạt động quy hoạch, quản lý các điểm đến của Việt Nam vẫn chưa thực sự đồng bộ. Đầu tư công chưa đầy đủ, sản phẩm nghỉ dưỡng thiếu tính khác biệt, độc đáo. Bên cạnh đó, ông Kai Marcus Schroter cũng nhắc tới vấn đề môi trường khi hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng ra đời hiện nay.
“Tôi thấy người Việt Nam tỏ ra khá tự hào về các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, nhưng lại khá dè dặt khi nói về mặt trái của vấn đề môi trường. Theo tôi, Việt Nam phải cân bằng giữa đầu tư tư nhân và các hạ tầng công. Đó không nhất thiết là sân bay, cao tốc, mà có thể là hệ thống xử lí nước thải, rác thải… hướng tới môi trường nói chung”, ông Kai Marcus Schroter cho biết thêm.
Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức với ngành bất động sản nghỉ dưỡng cũng như du lịch tại Viêt Nam, nhưng Tổng giám đốc Hospitality Tourism Management cho rằng Việt Nam vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi như, các đường bay thuận tiện, nguồn tài nguyên dồi dào, văn hóa, lịch sử lâu đời…cũng như sở hữu nhiều di sản thiên nhiên vô giá. Do đó, Việt Nam cần phải biết trân trọng, gìn giữ những tài sản này và từ đó, nâng cao trải nghiệm, quảng bá bản sắc, nét độc đáo của mình ra thị trường du lịch quốc tế.