Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tạo sức cạnh tranh thời kỳ 4.0

22:22 | 18/09/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Văn hóa doanh nghiệp là một tài sản, động lực tạo nên sức mạnh cạnh tranh và nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng, của các vùng và quốc gia nói chung. Theo PGS.TS Đỗ Minh Cương, trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, quản trị văn hóa doanh nghiệp hiệu quả tạo ra sức mạnh cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp

PGS. TS Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Doanh nghiệp cho biết: "Từ phương diện quản trị quốc gia, chúng ta đã nói đến tình hình Việt Nam bỏ lỡ 3 cuộc Cách mạng công nghiệp, đến nay cương quyết không bỏ lỡ chuyến tàu 4.0. Về góc độ chính sách và thực tế quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, cũng tương tự như vậy. Việt Nam chưa có tư duy hệ thống và thực tiễn quản trị doanh nghiệp, quản trị quốc gia theo khoa học đủ dài để trở thành phong cách, văn hóa làm việc của dân tộc trong thời kỳ Công nghiệp 2.0 và 3.0. Việc các nhà nghiên cứu tự mày mò và các doanh nhân tự xây dựng văn hóa doanh nghiệp của mình đã thể hiện sự nhanh nhạy với cái mới cùng sự quyết tâm theo đuổi lối kinh doanh tiên tiến, có đạo đức, văn hóa của nhân dân và doanh nghiệp"

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp tạo sức cạnh tranh thời kỳ 4.0 - ảnh 1
PGS. TS Đỗ Minh Cương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Doanh nghiệp phát biểu tại Hội thảo khoa học “Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh”. (ảnh: DNVN/My Anh)

Theo ông Cương, vì chưa có tầm nhìn và chính sách quốc gia hướng dẫn, hỗ trợ nên quá trình xây dựng, quản trị văn hóa doanh nghiệp của họ không tránh khỏi cảm giác cô đơn, trạng thái mò mẫm cách làm và gặp nhiều trở ngại, vướng mắc. Song, sự tiên phong và cách thức làm văn hóa doanh nghiệp thành công như các doanh nghiệp lớn tiêu biểu là FPT, Viettel, Vinamilk, Vietcombank, Vingroup, Thế giới di động... đã cho chúng ta thấy đây chính là một nguồn lực, tài sản lớn và phương thức quản trị doanh nghiệp hiệu quả, được lòng dân, giúp họ không ngừng nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, phát triển bền vững và thực hiện tốt trách nhiệm với xã hội.

Khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 xuất hiện, Chính phủ cũng đã nâng tầm việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành một chính sách và phong trào quốc gia, bắt đầu từ những hành động thể hiện phương châm Chính phủ kiến tạo sự phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp của Thủ tướng như quyết định lấy ngày 10/11 hằng năm làm Ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam và phát động cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”. Có thể nói, bằng các quyết định và Phong trào xây dựng văn hóa doanh nghiệp do Chính phủ phát động, công việc này không còn phụ thuộc vào ý muốn, nhận thức chủ quan của lãnh đạo doanh nghiệp nữa, mà thuộc về trách nhiệm đối với Nhà nước và xã hội của doanh nghiệp, bao gồm tất cả các doanh nghiệp Việt Nam thuộc các ngành nghề và quy mô khác nhau, trong phạm vi cả nước.

Xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp trong nền kinh tế 4.0

Muốn hệ thống doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam phát huy được lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững thì cần có trước những con người và định dạng văn hóa tổ chức phù hợp với thời kỳ 4.0.

Theo PGS.TS Đỗ Minh Cương, muốn thực hiện được công việc xây dựng và quản trị văn hóa doanh nghiệp theo kiểu của Việt Nam, phù hợp với đặc điểm, nguyên tắc của Công nhiệp 4.0 cần tuân thủ và thực hiện các giải pháp cụ thể.

Thứ nhất là nhận thức rõ quản trị văn hóa doanh nghiệp là một phương pháp quản trị doanh nhiệp cơ bản, là nền tảng cho sự đổi mới sáng tạo và phát triển các công nghệ mới. Từ góc độ quản trị doanh nghiệp và quan điểm của người lãnh đạo tổ chức, văn hóa doanh nghiệp là một trong những phương pháp và công cụ quản trị tổ chức - quản trị công ty cơ bản. Lãnh đạo doanh nghiệp dựa vào văn hoá tổ chức hay dựa vào các giá trị là một phương pháp, công cụ lãnh đạo, quản trị tổ chức mới. Trong thời kỳ phát triển mạnh của công nghệ mới, giao lưu văn hóa quốc tế và môi trường làm việc đa văn hóa thì văn hóa tổ chức – văn hóa doanh nghiệp có vai trò là “phương thức lập trình”, “là phần mềm của tư duy” để duy trì các chuẩn mực đạo đức và phát triển các giá trị, bản sắc của doanh nghiệp. Quản trị văn hóa doanh nghiệp hiệu quả tạo ra sức mạnh cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp.

Hai là nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của lãnh đạo trong quản trị văn hóa doanh nghiệp – tiêu chuẩn cơ bản của văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân một hệ thống văn hóa doanh nghiệp không phát huy được vai trò, hiệu quả quản trị của nó trong thực tế vì sự hạn chế, yếu kém của người sáng lập và lãnh đạo doanh nghiệp. Lãnh đạo cao nhất có vai trò quyết định tới sự thành bại của quá trình xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp trong tổ chức của họ. Thực tế cho thấy, dù việc quản trị văn hóa doanh nghiệp của khu vực doanh nghiệp nhà nước khó thực hiện hơn khu vực dân doanh- tư nhân nhưng những lãnh đạo có tâm, có tầm, có kiến thức văn hóa doanh nghiệp tại Viettel, Vinamilk vẫn tạo nên tài sản vô giá là nền văn hoá của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có thể là một phương pháp, công cụ quản trị doanh nghiệp rất hiệu quả và sử dụng được lâu dài. Muốn doanh nghiệp làm chủ các công nghệ và phát triển bền vững thì người lãnh đạo cần có tầm nhìn xa, sự cam kết mạnh mẽ và thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Văn hóa doanh nghiệp là công cụ và điều kiện để quản trị nhân tài của doanh nghiệp.

Thứ ba là chú trọng công tác quản trị chiến lược, quản trị sự thay đổi theo các nguyên tắc của Cách mạng 4.0 vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và đất nước.

Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là một phương pháp và công cụ quản lý mà còn là một nguồn tài sản quý giá của doanh nghiệp, cho nên nó cần có sự lãnh đạo và quản trị một cách khoa học. Nó không chỉ đòi hỏi các nhiệm vụ xây dựng, tổ chức thực hiện, triển khai vào hoạt động và đời sống của doanh nghiệp mà còn là các công việc áp dụng trong quản trị chiến lược, quản trị sự thay đổi để phát triển bền vững. Những công việc, nhiệm vụ trên đều thuộc vai trò, trách nhiệm của người sáng lập, lãnh đạo cao nhất của tổ chức. Tạo lập và quản trị một nền văn hóa doanh nghiệp mạnh, có giá trị lâu dài là điều kiện không thể thiếu để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng và phát triển bền vững trong Thời kỳ 4.0.