Xe bọc thép, trực thăng, ca nô đặc chủng sẵn sàng cùng nhân dân ứng phó bão số 9

21:01 | 27/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bão số 9 Molave được dự báo sẽ gây mưa trên diện rộng từ Thừa Thiên - Huế tới Phú Yên từ đêm 28/10. Xe bọc thép, trực thăng và ca nô đặc chủng hiện đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ ứng cứu khẩn cấp tại các địa phương.
Tính đến thời điểm 18 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão số 9 Molave được ghi nhận tại biển Đông, cách TP. Đà Nẵng khoảng 520km, cách tỉnh Quảng Nam 445km, tỉnh Quảng Ngãi 410km và tỉnh Phú Yên 330km. Bão số 9 Molave di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20km/ giờ, mang theo sức gió cực mạnh: lên tới cấp 14 (tương đương 150-165km/ giờ), giật cấp 17. Dự kiến vào sáng sớm ngày 28/10, bão sẽ bắt đầu đổ bộ vào khu vực ven biển Duyên hải Nam Trung Bộ, tới trưa ngày 28/10, tâm bão sẽ ở trên địa phận đất liền của các tỉnh Quảng Nam, Bình Định.
 
Xe bọc thép, trực thăng, ca nô cứu hộ bão số 9
Bão số 9 dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền Việt Nam vào ngày mai
 
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc Gia, bão số 9 sẽ gây ảnh hưởng tới các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế tới Phú Yên, gây những cơn mưa với lượng mưa lớn từ 200-400mm mỗi đợt. Trong 3 ngày từ ngày 28-31/10, khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị sẽ gây mưa rất lớn, lượng mưa dự kiến sẽ đạt 500-700mm.
 
Cơn bão số 9 được nhận định là cơn bão lớn, khả năng gây nhiều thiệt hại về tài sản cho người dân các tỉnh miền Trung Việt Nam.
 
Xe bọc thép, trực thăng, ca nô cứu hộ bão số 9
Trung đoàn Không quân 915 sẵn sàng nhận nhiệm vụ
 
Chủ động đối phó với những hậu quả của cơn bão số 9 gây ra, tại tỉnh Phú Yên, Quân Khu 5 đã thành lập Sở Chỉ huy Tiền Phương. Ngoài ra, Phó hiệu trưởng trường Sỹ quan Không Quân (đóng tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), đại tá Lại Công Hoan thông tin: Trung đoàn trực thăng 915 của trường đã tiến hành khảo sát, lựa chọn kỹ lưỡng 16 điểm cất, hạ cánh, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
 
Như vậy, Trung đoàn Trực thăng 915, với các máy bay Mil Mi-8 hiện đại đã sẵn sàng tiến hành các công tác phục vụ cứu hộ, cứu nạn trước - trong - sau cơn bão số 9. Những nhiệm vụ máy bay trực thăng có thể đảm nhận bao gồm: thực hiện công tác kiểm tra, công tác tìm kiếm, công tác cứu hộ và công tác cứu nạn.
 
Xe bọc thép, trực thăng, ca nô cứu hộ bão số 9
Xe bọc thép, trực thăng, ca nô cứu hộ bão số 9
 
Ngoài dàn trực thăng đã sẵn sàng đối phó với cơn bão số 9, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên cũng đã điều động những xe bọc thép, phối hợp cùng các lực lượng chức năng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn ngay khi có thông tin.
 
Ghi nhận tại Đà Nẵng, Cục Cảnh sát Giao Thông và Thủy đoàn 1 đã bắt đầu triển khai ca nô đặc chủng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn tại bờ biển Đà Nẵng.
 
Xe bọc thép, trực thăng, ca nô cứu hộ bão số 9
 
Xe bọc thép, trực thăng, ca nô cứu hộ bão số 9
Ca nô đặc chủng sẵn sàng ứng cứu người dân tại biển Đà Nẵng
 
Ngoài việc chuẩn bị phương tiện sẵn sàng ứng cứu, Cục Cảnh sát Giao thông cùng Tổng cục Đường bộ Việt Nam hiện đang liên tục phát thông tin tới các chủ phương tiện giao thông nên hạn chế tham gia giao thông tại những vùng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9. Người dân được khuyến cáo không lái xe trừ khi thật sự cần thiết. Các đơn vị cảnh sát giao thông sẽ tiến hành xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân và các phương tiện cố tình di chuyển vào các khu vực nguy hiểm bất chấp những cảnh báo và hướng dẫn của lực lượng chức năng.
 
Cán bộ cục Cảnh sát Giao thông cùng lực lượng Cảnh sát Giao thông, công an các địa phương các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 9 cũng được yêu cầu chủ động bố trí lực lượng, thực hiện nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông tại các điểm ngập lụt, sạt lở để cảnh báo người dân. Ngoài ra, Cục còn thành lập trung tâm chỉ huy phòng, chống bão số 9 tại Đà Nẵng để tiến hành chỉ đạo, sẵn sàng các phương án cứu trợ.
 
 
Thùy Dương