Xu hướng gia tăng đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhờ Hiệp định EVFTA
Theo bài viết, Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực nghĩa là thuế quan được miễn giảm và các mối quan hệ thương mại và kinh doanh được làm sâu sắc hơn, gia tăng khả năng cạnh tranh giữa các thị trường EU và Việt Nam.
Hiệp định mở ra cơ hội lớn cho các công ty EU để có thể tiếp cận nhiều với một thị trường mới nổi gần 100 triệu dân, trong đó có khoảng 55 triệu công nhân.
Ngoài ra, hiệp định còn mở ra cơ hội đối tác, đối thoại, hợp tác và tạo mối quan hệ bền chặt hơn với khu vực Đông Nam Á.
Mặt khác, với kim ngạch ngoại thương đạt khoảng 41,3 tỷ USD, EU hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Liên minh châu Âu thường xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng như là sản phẩm công nghệ cao, gồm máy móc-thiết bị điện, máy bay, xe cộ và dược phẩm.
Trong khảo sát của Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham), “thủ tục hành chính” là thách thức lớn nhất để tận dụng lợi thế của EVFTA.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 16 của EU trên thế giới và là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN - đối tác thương mại lớn thứ ba của EU bên ngoài châu Âu (sau Mỹ và Trung Quốc). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là điện thoại, sản phẩm điện tử, giày dép, dệt may, cà phê, gạo, thủy sản và đồ nội thất.
Trước đó, trong năm 2020, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong đó, nguồn vốn FDI từ các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) góp phần không hề nhỏ.
Theo thống kê trong năm ngoái, EU chính là đối tác đầu tư lớn thứ 4, tham gia đầu tư vào hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Các dự án đầu tư của EU có hàm lượng và tỷ lệ chuyển giao công nghệ cao, phương pháp quản lý tiên tiến.
Cụ thể, ở thời điểm đó, Hà Lan đứng đầu với 344 dự án và 10,05 tỷ USD, chiếm 39,43% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam. Vương quốc Anh đứng thứ 2, với 380 dự án và 3,72 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 14,58% tổng vốn đầu tư.
Các tập đoàn lớn của EU cũng hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam như BP (Anh), Shell Group (Hà Lan), Total Elf Fina (Pháp Bỉ), Daimler Chrysler (Đức), Siemen, Alcatel Comvik (Thuỵ Điển).
Quý I/2021, cuộc khảo sát về chỉ số môi trường kinh doanh do Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) thực hiện cho thấy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào nền kinh tế Việt Nam.
Đây là tín hiệu vô cùng tích cực cho thấy Việt Nam đã và đang được chú ý như một thị trường đầu tư hấp dẫn ở Đông Nam Á.
Xem thêm: Đồng Nai, Hà Nội, Tiền Giang, TP. HCM thu hút FDI khủng trong 4 tháng đầu năm
Phương Thúy