Xử lí rác thải tại Hà Nội: Vấn đề nan giải cần tháo gỡ từ việc quy hoạch, phân loại rác

17:25 | 10/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Xử lí rác thải tại Hà Nội luôn là vấn đề nhức nhối, tồn tại từ lâu. Nhất là gần đây, người dân sống cạnh nhà máy rác Nam Sơn chặn xe chở rác ra vào khiến lượng rác thải tại nội đô bị ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường.

Doanh nghiệp "liều mình" tập kết rác trái phép.

Thời gian qua, nhiều người dân sinh sống gần khu liên hợp xử lí rác thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) chặn đường, ngăn xe chở rác ra vào nhà máy khiến lượng rác thải tại nhiều tuyến phố nội thành bị ứ đọng, bốc mùi xú uế, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Trước tình trạng đó, một số doanh nghiệp thu gom, vận chuyển rác thải ở Hà Nội đã tập kết "bừa" rác thải tại nhiều tuyến phố.

Xử lí rác thải tại Hà Nội: Vấn đề nan giải cần tháo gỡ từ việc quy hoạch, phân loại rác - ảnh 1

Công nhân của công ty Minh Quân vô tư tập kết rác trái phép tại tuyến phố cạnh Cung điền kinh Hà Nội.
 
Cụ thể, hàng trăm tấn rác thải được nhân công của Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân (Công ty Minh Quân) tập kết trái phép, dài hàng trăm mét dọc con phố ngay sát khuôn viên Cung điền kinh Hà Nội, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
 
Ông N.M.T. bảo vệ tại Cung điền kinh Hà Nội bức xúc nói: “Không biết vì lí do gì mà nhiều ngày nay công ty Minh Quân lại đem rác về đây đổ, mùi xú uế phát ra nồng nặc, nhất là vào buổi trưa nắng nóng mùi hôi thối bốc lên khiến tôi không thể thở nổi, ruồi muỗi trong cũng nhiều hơn trước. Tôi phải đóng cửa chốt kín mít 24/24 vì thối quá không chịu được...".

Được biết, công ty Minh Quân là đơn vị tham gia duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn 9 quận, huyện là: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Mỹ Đức... Thông qua 6 gói thầu dịch vụ công ích vệ sinh môi trường giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn 6 quận/huyện của Hà Nội, với tổng giá trúng thầu lên tới 1.150 tỷ đồng.

Sau khi trúng thầu, công ty này liên tục bị người dân phản ánh về việc yếu kém về năng lực như không đủ xe, thiết bị để thu gom, vận chuyển rác thải, lực lượng nhân công hầu hết chưa được đào tạo...
Đỉnh điểm, vào tháng 7 vừa qua, Công ty Minh Quân bị phát hiện đổ trộm gần 70 tấn rác thải lên khu đất trống do Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an quản lý. Đồng thời, bị lực lượng Công an phường Phương Canh (quận Nam Từ Liêm) thu giữ phương tiện vận chuyển rác.

Hay như mới đây, một đơn vị khác là Công ty môi trường đô thị Vĩnh Yên cũng bị phát hiện tập kết một bãi rác khổng lồ hơn 900 tấn tại khu đất ngay sát đường Phạm Văn Bạch (quận Cầu Giấy) khiến người dân qua lại tuyến đường này vô cùng khó chịu, phát "choáng" bởi mùi hôi thối nồng nặc.

Xử lí rác thải tại Hà Nội: Vấn đề nan giải cần tháo gỡ từ việc quy hoạch, phân loại rác - ảnh 2

Bãi tập kết rác khổng lồ dài trăm mét không che chắn, phủ bạt, bốc mùi thối nồng nặc tại tuyến phố sát Cung điền kinh Hà Nội được PV ghi nhận ngày 29/10.
 

Cần có cơ chế, chính sách trong việc phân loại rác thải

Ông Nguyễn trung Thành - Viện Khoa học Môi trường và Xã hội - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, việc doanh nghiệp thu gom, vận chuyển rác thải lợi dụng lòng đường, vỉa hè để tập kết rác là hành vi trái pháp luật, gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông...

Nguyên nhân của việc này bắt nguồn từ nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, một số đơn vị là cố tình, do năng lực hạn chế. Một số do không thể đưa rác về nhà máy vì người dân chặn đường, nên không thể đổ hết lỗi cho doanh nghiệp yếu kém về năng lực được".

"Vấn đề xử lí rác thải còn rất nhiều khó khăn như việc chúng ta chưa thể phân loại rác thải vô cơ và hữu cơ, để xử lí dứt điểm vấn đề rác thải cần có cơ chế, chính sách về việc này. Thứ hai, chúng ta cần đồng bộ quy hoạch, trước khi xây dựng nhà máy xử lí rác cần lấy ý kiến người dân, được sự đồng thuận của người dân, hỗ trợ di dân về khu tái định cư, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân...", ông Thành nhận định.

Trao đổi với Phóng viên Doanh nhân Việt Nam về những vấn đề tồn tại trong việc xử lí rác thải, Bà Bùi Thị An - nguyên Đại biểu quốc hội - Uỷ viên, Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khoá XIII cho rằng, suốt 10 năm qua, vấn đề xử lí rác thải tại Hà Nội đã được chú trọng quan tâm rất nhiều, nhưng thực thi chưa quyết liệt khiến nhiều vấn đề tồn đọng, trong khi lượng rác thải của Hà Nội vô cùng lớn dẫn tới sự việc người dân phản đối, chặn xe chở rác vừa rồi.

"Bản thân rác thải là một nguồn tài nguyên, có thể tái chế nếu chúng ta phân loại tốt, nhưng hiện chúng ta chưa làm được điều này, đó là một thiếu sót lớn. Việc áp dụng công nghệ chôn lấp khiến các nhà máy xử lí rác thải bị quá tải, phát sinh nhiều yếu tố gây ô nhiễm môi trường xung quanh như rò rỉ nước thải, ruồi muỗi...ảnh hưởng đến đời sống người dân", bà An cho hay.

Theo bà An, rác thải sinh hoạt cần được phân loại ngay từ đầu, phải có chính sách vận động, tuyên truyền tới người dân nghiêm túc thực hiện phân loại rác. Sau đó, Hà Nội cần quy hoạch xây dựng các nhà máy chế biến rác để tái chế lại, chứ không thể chôn lấp mãi như hiện tại, vì quỹ đất đang rất hạn hẹp.

Xử lí rác thải tại Hà Nội: Vấn đề nan giải cần tháo gỡ từ việc quy hoạch, phân loại rác - ảnh 3

Bà Bùi Thị An - nguyên Đại biểu quốc hội - Uỷ viên, Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khoá XIII.
 

Xem xét cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia xử lí rác thải

Bà An cho biết, hiện Nhà nước đang chủ trương xã hội hóa việc xử lí rác thải, doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước tham gia là không hạn chế, đơn vị nào đủ điều kiện sẽ được ưu tiên. Nếu có nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia thì chúng ta nên xem xét tạo điều kiện cho họ.

"Chúng ta nên lựa chọn một nhà đầu tư nước ngoài làm thí điểm trong việc xử lí rác thải, nếu đáp ứng được, làm tốt thì nhân rộng ra. Tuy nhiên, cần thận trọng trong việc phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài tham gia vì có một số nhà đầu tư khi dự thầu có hồ sơ năng lực rất tốt, công nghệ cao nhưng khi triển khai lại không phải vậy", bà An bày tỏ.

Theo bà An, qua sự việc vừa rồi, có thể thấy chưa bao giờ Bí thư Thành ủy Hà Nội vào cuộc quyết liệt như lần này, ngay khi sự việc xảy ra đã có chỉ đạo kịp thời, yêu cầu các ban ngành chức năng vào cuộc, xử lý tình trạng yếu kém trong công tác vận hành, quản lý Khu liên hợp, đẩy nhanh bồi thường cho người dân, giải phóng mặt bằng dự án... nên trong vòng 1 tuần đã ổn định được tình hình, xe chở rác đã được thông tuyến trở lại, cho thấy hiệu quả rõ rệt.

"Tôi rất tin tưởng với sự chỉ đạo, quyết tâm cao của đồng chí Bí thư Thành ủy, sự quyết liệt của UBND TP Hà Nội, cùng sự đồng thuận của nhân dân thủ đô, chúng ta sẽ xử lí triệt để được vấn đề rác thải trong vài năm tới, mang lại một thủ đô văn minh, sạch sẽ và hiện đại", bà An nhận định. (Còn nữa).

 

Hùng Dân