Xuất khẩu gạo của Việt Nam đón hàng loạt tin vui ngay đầu năm 2021
Ngay từ đầu năm 2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đón hàng loạt tin vui khi nhiều lô gạo chất lượng được xuất sang Singapore, Malaysia, Vương quốc Anh.
Đây là tín hiệu tích cực cho thấy triển vọng xuất khẩu gạo ngày càng rộng mở và DN tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.
Giá gạo xuất khẩu cao nhất trong lịch sử
Mở đầu năm 2021, lô gạo 1.600 tấn của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã xuất khẩu thành công sang Malaysia và Singapore. Hai loại gạo được xuất khẩu trong lô hàng này là gạo thơm Jasmine 85 và gạo thơm Hương Lài. Trong đó, 450 tấn gạo Jasmine 85 đi thị trường Singapore với giá 680 USD/tấn và 1.150 tấn gạo thơm Hương Lài sang Malaysia với giá 750 USD/tấn. Mới đây lô hàng 60 tấn gạo thơm thượng hạng của Công ty CP Giống cây trồng T.Ư (Vinaseed) được DN Long Dan (Vương quốc Anh) nhập và bày bán với giá bán lẻ 15,5 bảng/10kg (tương đương 465.000 đồng/10kg).
Vận chuyển gạo xuất khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTXVN
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam, từ đầu năm đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn ở mức cao, khoảng 503 USD/tấn. Đây là mức giá tốt nhất trong lịch sử xuất khẩu gạo, điều này chứng minh chất lượng gạo Việt Nam đã được nâng cao. Đáng lưu ý, triển vọng xuất khẩu gạo đang rộng mở nhờ có thêm cơ hội từ một số thị trường mà Việt Nam vừa ký kết FTA. Cụ thể, trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (Việt Nam - EAEU FTA), các quốc gia thuộc khối này đã cam kết dành 10.000 tấn gạo hạn ngạch thuế quan cho Việt Nam trong năm 2021. Hay với việc kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), gạo Việt xuất khẩu vào Anh sẽ được giảm thuế về 0% và không có giới hạn về hạn ngạch.
Mặt khác, ngay từ thời điểm đầu năm, thị trường gạo khu vực châu Á đã bắt đầu nóng trở lại khi hàng loạt khách hàng tiềm năng đang ráo riết mua vào, điển hình phải kể đến Trung Quốc và Bangladesh, Philippines... Trong khi đó, nhiều nước khác có nhu cầu lớn về gạo thơm, gạo nếp, vốn là mặt hàng có lợi thế của DN Việt Nam. “Xuất khẩu gạo trong năm 2021 sẽ đạt trên 6 triệu tấn. Nguyên nhân do dịch Covid-19 khiến các thị trường nhập khẩu chính như Philippines, châu Phi tiếp tục ký hợp đồng và thị trường gạo châu Á cũng bắt đầu có nhu cầu trở lại” – ông Đỗ Hà Nam dự báo.
Nâng chất lượng, tuân thủ quy định trong FTA
Nhận định về thị trường lúa gạo năm 2021, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, tại thị trường nội địa, dự kiến quý I/2021 giá gạo tiếp tục giữ vững ở mức cao do nhu cầu mua đều, đặc biệt là nhu cầu từ kho gạo chợ làm hàng Tết. Đối với hoạt động xuất khẩu, dù chưa có nhiều hợp đồng giao dịch, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì nhu cầu lương thực, trong đó có gạo sẽ tăng lên. Ở góc độ DN, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho hay, dư địa cho thị trường lúa gạo xuất khẩu trong thời gian tới là rất lớn, đặc biệt là thị trường EU.
Theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia, để xuất khẩu gạo Việt Nam tăng trưởng bền vững, việc tiếp tục nâng cao chất lượng và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng vẫn là giải pháp hàng đầu. Đơn cử, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã và đang mở rộng cửa cho mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU, nhưng các quy định đối với gạo xuất khẩu vào thị trường này vô cùng khắt khe về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc… Do vậy, các DN xuất khẩu gạo phải có chứng nhận GlobalGap, thay đổi quy trình canh tác, đồng thời cần xây dựng được chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Chia sẻ về định hướng xuất khẩu gạo trong tương lai, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, DN Việt nên tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như: Gạo thơm, gạo giống Nhật Japonica, gạo dẻo, gạo nếp, giảm trồng các loại gạo cấp thấp. Bởi nếu Việt Nam tập trung sản xuất loại gạo cấp thấp sẽ không cạnh tranh được với gạo của Ấn Độ và Pakistan. Việc đầu tư gạo chất lượng cao không chỉ nâng cao giá trị xuất khẩu mà còn thâm nhập các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.
Theo Kinh tế Đô thị