Xuất khẩu gạo liên tiếp đón nhận tin vui
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu 3 tháng đầu năm nay đạt 1,48 triệu tấn, tương đương 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất 3,5 tháng qua do nhu cầu ổn định và chi phí vận chuyển tăng cao.
Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 415 - 420 USD một tấn, tăng 20 USD so với đầu tháng trước.
Giá gạo tăng nhờ nhu cầu thị trường ổn định, bên cạnh đó tác động của xu hướng tăng giá của các mặt hàng lương thực thế giới nói chung. Một yếu tố quan trọng khác khiến giá gạo tăng là do chi phí vận chuyển tăng.
Theo các doanh nghiệp, dù giá tăng và nhu cầu của các nhà nhập khẩu khá cao nhưng thị trường vẫn chưa hoạt động mạnh vì cả bên mua và bên bán vẫn muốn chờ thêm thời gian. Nguyên nhân là do cước tàu biển đang ở mức quá cao. Cuộc xung đột Nga - Ukraine còn căng thẳng ảnh hưởng đến giá lương thực thế giới.
Trong khi đó, gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan ở mức 408 - 412 USD một tấn, giảm 16 USD so với đầu tháng. Nguyên nhân do đồng Baht xuống thấp dẫn đến giá cả cạnh tranh hơn và thúc đẩy doanh số bán hàng. Tuy nhiên, logistics vẫn là một thách thức đối với ngành gạo Thái Lan bởi không đủ tàu và giá cước vận chuyển cao.
Tại thị trường trong nước, lúa gạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sôi động hơn trong tháng 3 khi giá lúa Đông Xuân tăng nhẹ so với tháng trước. Nông dân đã thu hoạch được 1/4 diện tích lúa Đông Xuân 2022.
Tại An Giang, lúa IR50404 ở mức 5.600 đồng một kg, tăng 400 đồng một kg so với trung bình tháng 2; lúa chất lượng cao OM 5451 ở mức 5.700 đồng một kg, tăng gần 400 đồng một kg; gạo thường ở mức 11.000 đồng một kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 15.000 đồng một kg.
Còn tại Kiên Giang, giá lúa cũng tăng 400-500 đồng mỗi kg so với tháng 2. Còn ở Vĩnh Long, giá lúa gạo ổn định.