Xuất khẩu gỗ dần phục hồi nhưng khó đạt được mục tiêu 17 tỷ USD
Khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD cả năm 2023
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 9 đạt 1,2 tỷ USD, giảm 7% so với tháng trước (1,29 tỷ USD). Luỹ kế 9 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 9,7 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, xuất khẩu lâm sản 9 tháng mới chỉ đạt khoảng 57%, cách khá xa mục tiêu 17 tỷ USD của năm 2023.
Xét về thị trường, dù Việt Nam nằm trong Top 5 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới nhưng cũng mới chỉ xuất khẩu trên 16 tỷ USD/năm. Thêm vào đó, thời gian qua, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản...., còn các thị trường tiềm năng khác vẫn đang bỏ ngỏ.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 8 tháng, Mỹ là quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với 4,6 tỷ USD, giảm mạnh 27% và chiếm 55% trong tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, lạm phát cao, việc duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và hàng tồn kho ở mức cao khiến hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam tới Mỹ giảm mạnh.
Kỳ vọng vào những tín hiệu lạc quan
Cục Xuất nhập khẩu thông tin một tín hiệu tích cực là tính đến tháng 8, hàng tồn kho tại Mỹ đã giảm xuống còn 10% và dự báo đến cuối năm 2023 sẽ giảm về mức 0%. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong thời gian tới.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại thị trường Mỹ đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, nhất là về giá cả. Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng, khi hàng tồn kho giảm và thị trường bất động sản Mỹ hồi phục, ngành gỗ sẽ có nhiều đơn hàng và hồi phục mạnh hơn về cuối năm, thế nhưng “đây vẫn chỉ là dự báo”.
Trao đổi với tạp chí Gỗ Việt, ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương nhận định: “Lạm phát của Mỹ đang giảm, việc làm tại thị trường này cũng đang tăng lên, đặc biệt là vấn đề xây dựng và mua bán nhà bắt đầu có tín hiệu tích cực trở lại. Từ những tín hiệu này, kỳ vọng xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vàoMỹ - thị trường lớn nhất của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam (chiếm khoảng 60%) sẽ tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, hiện nay, rất khó để có thể đoán định tương lai gần. Bởi lẽ, lạm phát có giảm nhưng vẫn còn, xung đột quân sự vẫn diễn ra, cạnh tranh địa chính trị vẫn hiện hữu. Do đó, khó mà biết được thị trường sẽ phục hồi như thế nào. Dù vậy, theo tôi, tồn kho rồi sẽ giảm. Chắc chắn một điều các nhà mua hàng củaMỹ sẽ bắt đầu đặt hàng trở lại để bù đắp vào lượng hàng giảm từ tồn kho, tuy nhiên, đơn hàng sẽ không lớn như trước đây. Tuy nhiên, thị trường phục hồi và tốt trở lại như giai đoạn năm 2020 - 2022 thì cần thời gian.”
Chia sẻ tại buổi họp báo về “Triển lãm Quốc tế lần thứ 15 về máy móc và thiết bị công nghiệp ngành chế biến gỗ năm 2023” (VietnamWood 2023) ngày 18/9 vừa qua, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) cho biết,các doanh nghiệp trong ngành cũng đang nhận được tương tác tích cực hơn từ đối tác mua hàng. Một số doanh nghiệp có đơn hàng mới đã bắt đầu tổ chức cho công nhân tăng ca trở lại hoặc tuyển thêm lao động.
"Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 khó có thể đạt mục tiêu 17 tỷ USD như đã đề ra hồi đầu năm. Dự kiến từ nay đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam có thể đạt được khoảng 6 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong cả năm lên khoảng 14 - 14,5 tỷ USD" - ông Phương cho hay.
Tại Hội nghị “Giao ban ngành chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2023” nhằm bàn giải pháp gỡ khó cho ngành gỗ Việt Nam được tổ chức hồi tháng 7, ông Nguyễn Quốc Trị - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện toàn ngành đang thực hiện nhiều giải pháp như thay đổi mẫu mã, mở rộng thị trường, đổi mới công nghệ,.. nhằm biến những bất lợi thành cơ hội, những nguy cơ thành thời cơ.
Trước các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị Cục Lâm nghiệp nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ về đổi mới công nghệ, thuế và tín dụng cho các làng nghề dùng sử dụng gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các thị trường rủi ro; chính sách mua sắm công, ưu tiên sử dụng sản phẩm đồ gỗ nội thất được chế biến từ gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, gỗ hợp pháp; hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ nguyên liệu.
Đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản. Cụ thể, phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) để có giải pháp kịp thời nhằm hạn chế những ảnh hưởng của các vụ kiện thương mại; với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có những giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành gỗ về hoàn thuế giá trị gia tăng, tài chính và tín dụng…
“Các hiệp hội, doanh nghiệp ngành gỗ nghiên cứu phối hợp xây dựng các cửa hàng tại các nước xuất khẩu, chắt chiu từng đơn hàng nhỏ, từng mặt hàng sẵn có… nỗ lực vượt qua khó khăn, cùng với hiệp hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh