Xuất khẩu hàng may mặc đạt 565 triệu USD trong nửa đầu tháng 3/2021
Tổng cục Hải quan vừa có thống kê sơ bộ về tình hình xuất khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 3/2020. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng dệt may đã tăng 565 triệu USD, tương ứng tăng 79,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), kim ngạch xuất nhập khẩu hàng may mặc của Việt Nam trong 10 ngày đầu tháng 3 ước đạt 830 triệu USD, tăng hơn 230 triệu USD so với tuần trước và tăng hơn 120 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, tiến độ xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Hong Kong được đẩy nhanh so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt số lượng các lô hàng đạt giá trị cao như áo thun, quần, áo jacket tăng khá; ngược lại số lượng các lô hàng đồ chống dịch ngày càng giảm.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu dệt may trong những tháng đầu năm, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết trong tháng 1, tăng trưởng xuất khẩu của dệt may Việt Nam tăng tới 10% so với năm 2020.
Điều này một phần là do kỳ nghỉ Tết năm nay rơi vào tháng 2, trong khi đó Tết năm trước lại rơi vào tháng 1, nên mới có sự tăng trưởng khá cao. Trong tháng 2, tăng trưởng không được cao như tháng 1, trung bình mức tăng trưởng trong hai tháng đầu năm đạt mức 7% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, xuất khẩu vào Mỹ tăng 8% về lượng nhưng lại giảm về tỷ trọng từ 48 - 50% về 41% trong tổng lượng xuất khẩu của dệt may. Đây cũng là lần đầu tiên, Trung Quốc vươn lên thành thị trường lớn thứ 2, ngang với EU trong tỷ trọng xuất khẩu của dệt may, cả hai thị trường này đều cùng chiếm 10%.
"Trong hai tháng qua, lượng xuất khẩu của dệt may Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng trưởng tới 50% (sợi tăng 81%, may tăng 15%). Cũng là lần đầu tiên, tốc độ tăng trưởng hàng may mặc của Việt Nam xuất đi Trung Quốc tăng cao nhất trong các thị trường chính của Việt Nam", ông Trường cho hay.
Thị trường dệt may năm 2021 được đánh giá khả năng phục hồi tốt hơn hẳn so với năm 2020 do các thị trường đã có cách ứng xử và quản lý xã hội trong dịch bệnh với một cách tiếp cận mới. Cùng với đó là gói hỗ trợ rất lớn trên 1.900 tỷ USD của Mỹ hướng tới các hộ thu nhập thấp và trung bình làm tăng khả năng chi dùng cho các mặt hàng thiết yếu, trong đó có dệt may.
Do vậy, dự đoán trong quý II/2021, đơn hàng ngành may, sợi được đảm bảo, tiếp tục có hiệu quả khá, doanh nghiệp nhanh chóng triển khai tốt công tác dự báo và thương lượng hợp đồng mới trong quý III, quý IV.
Riêng với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, kết quả kinh doanh quý I đạt mức khá. Tập đoàn đang nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu năm 2021, doanh số hợp nhất đạt trên 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất khoảng 770 tỷ đồng. Để đạt được điều này, các doanh nghiệp may thành viên được khuyến cáo quan tâm xử lý mối quan hệ giữa việc nhận đơn hàng dài hạn với đơn hàng có chu kỳ ngắn hơn, dự đoán sát diễn tiến thị trường, chọn điểm rơi có giá và mặt hàng tối ưu cho từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngành vải cải thiện sản xuất trong quý II/2021. Doanh nghiệp sợi từ nay tới tháng 7/2021 dự đoán sát tình hình vụ bông mới, có chiến lược chuẩn bị nguyên liệu hợp lý để duy trì được hiệu quả cao trong cả năm 2021.
Trong khi đó, Bộ Công Thương dự báo, năm 2021 vẫn là năm thị trường dệt may tiếp tục khó khăn, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới.
Tuy nhiên, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới.
Trong đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký hồi giữa tháng 11/2020 được kỳ vọng tạo ra động lực, cơ hội và thay thế một số thị trường mà đại dịch COVID-19 vẫn chưa kiểm soát được đang ảnh hưởng lớn đến thị trường của dệt may Việt Nam như châu Âu.
Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dệt may Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Nguyễn Dung