Xuất khẩu nhất nhì thế giới, vì sao gạo Việt vẫn chưa có thương hiệu sau 30 năm?
Việt Nam sở hữu những giống lúa ngon nhất nhì thế giới, có thời điểm giá gạo của Việt Nam cao hơn cả gạo của Thái Lan. Tuy nhiên, sau 30 năm xuất khẩu, hạt gạo Việt Nam vẫn gian nan câu chuyện xây dựng thương hiệu.
Lần đầu tiên giá gạo Việt vượt cả giá gạo của Thái Lan, cả về các loại gạo giá hàng ngàn đô la Mỹ 1 tấn, cao gấp nhiều lần so với giá trung bình của thế giới. Việt Nam sở hữu những giống lúa ngon nhất nhì thế giới. Gạo Việt Nam đang có những thay đổi to lớn từ lượng sang chất. Tuy nhiên, 30 năm sau ngày lô gạo đầu tiên được xuất khẩu, hạt gạo Việt Nam vẫn gian nan câu chuyện xây dựng thương hiệu.
Trong hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Đáng tiếc hầu hết vẫn là loại “hàng xá” đóng bao 50kg hoặc hàng container không thương hiệu, mất hút tại các thị trường nhập khẩu.
Thương hiệu gạo Việt không chỉ "mất hút" ở nước ngoài mà ngay cả trong nước cũng rất ít người biết đến
Chỉ hơn 1 tuần nữa, những lô gạo hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định thương mại tự do EVFTA sẽ lên đường đi EU với giá khá cao 1.000 USD/tấn, kéo theo đó là cơ hội mỗi năm có khoảng 80.000 tấn gạo các loại vào thị trường này.
Tháng 8 vừa qua, gạo Việt đã leo lên mức giá khoảng 490 USD/tấn, cao nhất kể từ năm 2011, thậm chí có thời điểm giá gạo của Việt Nam cao hơn gạo của Thái Lan, đối thủ cạnh tranh của nước ta cả ở trong và ngoài nước.
Những con số đầy tính thuyết phục trên là tín hiệu vô cùng đáng mừng cho gạo Việt Nam.
Ngoài yếu tố thị trường thuận lợi, đây là kết quả công cuộc tái cơ cấu ngành lúa gạo những năm gần đây. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành, đây cũng là thời điểm thích hợp đưa ra chiến lược bài bản khẳng định thương hiệu gạo Việt trên thị trường, thay vì theo đuổi sản sản lượng như trước đây.
Theo khảo sát của VTV với người tiêu dùng Việt thì kết quả cho thấy, gạo Việt không chỉ không có thương hiệu ở nước ngoài mà ngay cả trong nước cũng rất ít người biết đến.
Việt Nam đã xuất khẩu gạo 30 năm nay, nhưng để tên thương hiệu đi vào lòng người tiêu dùng, kết quả chỉ là những loại gạo đặc sản, gắn với địa phương vùng miền, chứ không hề có dấu ấn của thương hiệu hay tên tuổi của một doanh nghiệp, hay một tổ chức sản xuất gạo bài bản chuyên nghiệp nào.
Vì sao gạo Việt vẫn chưa có thương hiệu sau 30 năm xuất khẩu?
Tại thị trường lớn, khách hàng nước ngoài chỉ biết đến gạo Thái Lan, chứ không hề biết đến gạo Việt Nam. Câu chuyện này không mới, nhưng lại rất thấm thía với một doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Những công hàng đầu tiên của doanh nghiệp đã xuất sang Nga 2 năm trước gần như cho không, vì người tiêu dùng chỉ dùng gạo Thái Lan, còn gạo Việt Nam thì họ không mua.
Hiện nay, các doanh nghiệp đã nhận thức rõ thương hiệu gạo Việt đóng vai trò quan trọng. (Ảnh: Dân trí)
Ông Nguyễn Khánh Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty CP Pan Farm - Pan Group phát biểu trên truyền hình rằng: "Trước đó họ chỉ quen bán mặt hàng gạo Thái Lan thôi và người tiêu dùng cũng chỉ tin rằng gạo Thái Lan tốt hơn. Đối tác đó đã phải vật lộn một thời gian rất dài không thể bán được và cuối cùng họ đã phải chấp nhận giải pháp là: khoảng 1/3 là họ free cho tất cả khách hàng và 2/3 là bán vào các hộ tiêu dùng công nghiệp lớn,...".
Tuy nhiên, sau khi dùng thử, người tiêu dùng Nga đã dần tin dùng gạo của doanh nghiệp này và hiện nay doanh nghiệp vẫn xuất khẩu gạo đều đều vào Nga.
Cũng theo chuyên gia, trước đây doanh nghiệp của nước ta thường chạy theo sản lượng và giá rẻ để bán hàng, vì vậy thương hiệu không chú trọng là điều dễ hiểu.
Ngoài ra các doanh nghiệp cho rằng, từ trước tới nay, hệ thống chính sách của Việt Nam cũng chưa đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp phát triển thương hiệu gạo của mình.
Các doanh nghiệp đang gặp những khó khăn gì trong việc xây dựng thương hiệu gạo?
Trên thị trường gạo thế giới, các nhà nhập khẩu lớn thường sử dụng thương quyền của họ giao cho các nước như: Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan đóng vào hàng để họ phân phối, để họ kiểm soát thị trường một cách thống nhất. Việc này diễn ra từ lâu nay và đây chính là trở ngại lớn cho doanh nghiệp Việt Nam muốn mang tên sản phẩm của mình ra nước ngoài. Vì vậy, doanh nghiệp cho rằng phải hướng tới việc xây dựng hệ thống phân phối riêng của mình, từ thị trường nội địa thì sẽ vươn ra được nước ngoài.
Hiện các doanh nghiệp đã nhận thức rõ thương hiệu đóng vai trò quan trọng, nhất là đã bắt đầu chú trọng vào phân khúc thị trường cao cấp. Để có các bạn hàng chấp nhận thương hiệu, doanh nghiệp sẽ phải đảm bảo một hệ thống quy chuẩn khắt khe và chặt chẽ.
Tháng 8 vừa qua, gạo Việt đã leo lên mức giá khoảng 490 USD/tấn. (Ảnh minh họa: NLĐ)
"Doanh nghiệp Việt Nam mình phải tự tổ chức mạng lưới phân phối ở nước ngoài, trong đó phải tìm hiểu con người và thị trường để làm sao nối kết được với các đơn vị phân phối. Thậm chí, chúng ta phải lập những kho hàng ở nước ngoài, để khi bán chúng ta phải bán sản phẩm mang tên doanh nghiệp mình", ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Tập đoàn Tân Long chia sẻ với VTV.
Hay như một doanh nghiệp khác lại chủ động lựa chọn chiến lược nhắm vào phân khúc cao cấp, không đua theo sản lượng. Doanh nghiệp có 1 vùng nguyên liệu khiêm tốn khoảng 7000 ha có thể dễ quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào. Từ đó, xây dựng chuỗi giá trị khép kín vừa quản lý cũng như duy trì ổn định thương hiệu gạo của mình.
"Cần phải đầu tư đồng bộ và phải có góc nhìn thực sự dài hạn chứ không chỉ đơn giản bán một vài lô hàng là xong. Và giải pháp căn bản để xây dựng thương hiệu có rất nhiều yếu tố, trong đó phải xây dựng chuỗi giá trị sản xuất khép kín có thể truy xuất nguồn gốc từ giống cho đến quá trình canh tác, sản xuất chế biến, bảo quản và đóng gói thương hiệu. Điều đó đòi hỏi một quá trình rất dài", ông Nguyễn Khánh Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty CP Pan Farm - Pan Group cho biết thêm.
Cùng là một loại gạo, nếu xuất khẩu theo cách thông thường, không mang thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam thì giá chỉ khoảng 600 USD/tấn. Nhưng nếu được đóng gói, bao bì cẩn thận, có nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu của doanh nghiệp thì có thể bán tới 1000 USD/tấn. Có thể thấy thương hiệu gạo đã mang đến những giá trị kinh tế rất rõ ràng.
Nhưng để khách hàng chấp nhận được thương hiệu của mình, doanh nghiệp cũng phải mất rất nhiều năm để chứng minh quá trình canh tác, chế biến, bảo quản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo những tiêu chuẩn khá cao như FSSC 22000 - một trong những tiêu chuẩn được các thị trường cao cấp như Mỹ, EU công nhận.
Ngoài ra theo các doanh nghiệp, chính phủ cần có chế tài đủ mạnh kiểm soát các doanh nghiệp thực hiện đúng những gì doanh nghiệp cam kết và công bố. Vì trong hàng trăm doanh nghiệp mà chỉ vài doanh nghiệp làm đúng, làm tốt thì cũng không thể tạo nên thương hiệu gạo cho Việt Nam.
Năm 2030 đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới (Ảnh: Tuổi trẻ)
Theo Quyết định số 706/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, gạo Việt Nam sẽ trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm. Phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cũng đã nhận định: "Làm thương hiệu không phải để bán được nhiều gạo hơn, mà là để bán được giá cao hơn, đem về nhiều giá trị hơn cho đất nước, doanh nghiệp và cho nông dân trồng lúa".
Hải Yến