Xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng ra sao khi dịch COVID-19 còn phức tạp?
Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp ra sao.
Hơn 50% nhà máy chế biến cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nhà máy chế biến thủy sản ở phía Đông Tp.HCM đóng cửa. Trong khi doanh nghiệp còn hoạt động, 100% nhận định phương án 3 tại chỗ chỉ nhằm cầm cự, tạm thời duy trì sản xuất.
Bên cạnh đó, một số DN nuôi cá tra bị kéo dài thời gian nuôi, mật độ lớn khiến cá chết hàng chục tấn mỗi ngày. Hiện nay, ước tính công suất hoạt động của toàn ngành cá tra chỉ từ 10 - 20%.
Phản ánh của các doanh nghiệp (DN) chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu - ba địa phương dẫn đầu về sản lượng và sản xuất tôm của cả nước thì trong thời điểm hiện tại với diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp và các tỉnh đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên không chỉ việc lưu thông hàng hóa mà những công đoạn khác thuộc quy trình như mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp khó khăn mà các nhà máy cũng đã phải giảm công suất chế biến 60-70%, thiếu hụt công nhân, chi phí tăng cao.
Các doanh nghiệp chỉ ra rằng ngành tôm Việt Nam đã trễ nhịp so với cơ hội thị trường nhưng nếu các địa phương mau chóng có giải pháp kiểm soát dịch bệnh vào cuối tháng 8 để phục hồi sản xuất thì vẫn còn cơ hội, giá tôm tăng trở lại, nhưng muộn hơn thì coi như cơ hội năm nay trôi qua. Với tình hình hiện tại chắc chắn kế hoạch sản xuất sẽ bị gián đoạn bởi từ tháng 9 trở đi là thời điểm các nhà máy bước vào cao điểm thu mua nguyên liệu, chế biến và XK. Nhiều DN dự báo nguồn cung tôm sẽ bị đảo lộn, thiếu hụt cho tới cuối năm, thậm chí kéo dài sang năm 2022.
Tình hình cũng tương tự ở Hậu Giang tại Đà Nẵng khi phần lớn các nhà máy thủy sản đã đóng cửa, việc áp dụng "3 tại chỗ" không khả thi bởi thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Nếu thực hiện phương pháp này thì cũng phải chấp nhận gánh loạt chi phí kèm theo từ tiền thuê khách sạn, KTX, nhà ở, lương, tiền ăn, chăm sóc y tế, thuê cán bộ y tế xét nghiệm...
Ngoài ra, tại các địa phương ven biển như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, DN đã giảm tối đa công suất chế biến, hoạt động cầm chừng. Cả người dân và DN đều gặp rất nhiều khó khăn do một số cảng cá bị phong tỏa do phát hiện các ca F0, tỷ lệ công nhân và người lao động được tiêm vaccine rất thấp.
VASEP: Cần khôi phục sản xuất trước ngày 15/9
Nhận định về những khó khăn bủa vây doanh nghiệp thủy sản, VASEP cho biết nếu không khôi phục sản xuất vào tháng 9 tới có thể dẫn đến hậu quả đứt gãy chuỗi, khiến ngành không còn hoặc khó có cơ hội để phục hồi. Kéo theo sự tác động đến thành phần lao động xa nhất của ngành đó là người nông dân nuôi tôm, cá sẽ cực kỳ khó khăn và nguồn nguyên liệu thủy sản sẽ ứ đọng.
Do đó, trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch đại dịch, VASEP đề xuất ngày 15/9/2021 là thời hạn để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Tiếp theo, hiệp hội đề xuất giảm 30% tiền điện cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong 6 tháng cuối năm.
Nguyên nhân bởi khối doanh nghiệp chế biến thủy sản có cả một tổ hợp cần điện để thực hiện được nhiệm vụ, đó là chế biến - cấp đông - kho bảo quản, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn đầu tư cả khâu nuôi trồng để hoàn thiện chuỗi cung ứng. Trong khi đó, dự thảo nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp chỉ mới đưa ra cho mỗi "kho bảo quản".
Về bảo hiểm xã hội, VASEP đề xuất Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chi trả lương cho người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp khi người lao động phải đi cách ly hoặc dừng sản xuất theo quy định chống dịch trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Hiệp hội cũng đưa ra các đề xuất với các địa phương Tp.HCM và Hải Phòng tạm ngưng thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022; giảm phí hạ tầng của các khu công nghiệp đến giữa năm sau; đề nghị cảng biển giảm phí các dịch vụ...
Theo VASEP và nhiều hiệp hội, ngành hàng khách đều có chung ý kiến khi được hỏi về giải pháp hiện tại thì chỉ có tiêm vaccine mới ngăn chặn được sự rời bỏ nhà máy của công nhân, gây nên tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động và những hệ lụy sẽ làm lan rộng dịch bệnh.
Tuy nhiên, tiến độ tiêm chủng cho các doanh nghiệp đang chưa nhanh. Kết quả khảo sát của hiệp hội cho thấy tỉ lệ tiêm vaccine COVID (mũi 1) của các doanh nghiệp (DN) chế biến, XK thủy sản đến nay trung bình là 40-50%. Trong đó, Cà Mau là địa phương có tỉ lệ tiêm nhanh và cao nhất. Đây chắc chắn sẽ là bài toán khó cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành địa phương trước khi những tác động xấu của dịch bệnh gây ra những hệ lụy nghiêm trọng với ngành xuất khẩu quan trọng này.
Ngành thủy sản đã chứng kiến sự tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2021. Chính phủ từng đưa ra tham vọng đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới. Nhưng, những diễn biến khó lường của dịch COVID-19 chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu trên. Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 6/2021 đạt gần 849,05 triệu USD, tăng 7,4% so với tháng 5/2021 và tăng 18% so với tháng 6/2020. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021 kim ngạch đạt trên 4,12 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 391,06 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. |
Duy Anh
Xem thêm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa kêu gọi 5.000 chữ ký gửi Chính phủ xin hỗ trợ vượt qua khó khăn