Xuất khẩu tôm năm 2023 dự kiến đạt 3,4 tỷ USD

Trang Mai 16:21 | 22/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng nhiều tháng liên tiếp, các thị trường khác vẫn còn nhiều tiềm năng,... là tín hiệu tích cực cho xuất khẩu tôm cuối năm. Thế nhưng cuộc cạnh tranh về giá vẫn đang là vấn đề nan giải mà các doanh nghiệp nói riêng và ngành thuỷ sản nói chung phải "đau đầu".

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), tháng 11, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 284 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù chưa thoát khỏi tăng trưởng âm, nhưng mức giảm ghi nhận thấp nhất kể từ đầu năm. Lũy kế 11 tháng năm 2023, xuất khẩu tôm đạt 3,1 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Giá tôm nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng trong tháng 11, nhất là đối với tôm cỡ lớn, nhưng nguồn cung không nhiều do trong thời gian giá tôm giảm, người nuôi thả nuôi ít.

 

Xét về thị trường, trong tháng 11, Mỹ là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 51 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng trưởng dương.

Lũy kế 11 tháng năm 2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 640 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu từ Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), tổng nhập khẩu tôm vào Mỹ trong tháng 10 cũng tăng trưởng tháng thứ tư liên tiếp, sau 13 tháng sụt giảm.

Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất cả về khối lượng và giá trị trong top 7 nguồn cung tôm cho Mỹ, lần lượt tăng 30% và 17% so với cùng kỳ. Giá tôm xuất khẩu trung bình khoảng 10,6 USD/kg, giảm 10% so với tháng 10/2022, mức giảm thấp nhất so với các nguồn cung còn lại.

Tại EU, xuất khẩu tôm sang thị trường này trong tháng 11 đạt 36 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022, mức sụt giảm nhẹ dần do nhu cầu cuối năm tăng, lạm phát  bớt căng thẳng.

Trong khi đó, trong tháng này, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) đạt 52 triệu USD, giảm 24% so với tháng 11/2022.

Nhu cầu của thị trường này không ổn định, chỉ tăng trưởng dương từ tháng 6 đến tháng 8, còn lại các tháng khác đều giảm. Tuy nhiên, mức độ sụt giảm đang dần thu hẹp lại so với những tháng đầu năm và đây cũng là thị trường có mức sụt giảm thấp nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính.

Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 569 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

VASEP cho rằng nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trườngTrung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) không chỉ phụ thuộc tình hình tăng trưởng kinh tế, lượng tồn kho tại nước này mà còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung giá rẻ từ Ecuador. Nhu cầu tiêu thụ tôm của Trung Quốc vẫn tăng mạnh nhưng có quá nhiều nguồn cung “đổ xô” vào thị trường này với giá chào thấp, do vậy tôm Việt Nam khó cạnh tranh về giá. Trong tháng 12 này, xuất khẩu tôm Việt sang thị trường này dự kiến vẫn giảm so với cùng kỳ.

Các chuyên gia VASEP dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2023 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ USD, thấp hơn 21% so với năm 2022.

VASEP nhận định ngành tôm Việt Nam sắp trải qua năm 2023 với nhiều thách thức cả nội tại lẫn khách quan. Trong thời gian tới, Việt Nam kỳ vọng trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chế biến sâu và tạo ra các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng cao, để ngành tôm tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Trong phân tích ngành tôm công bố đầu tháng 12, chứng khoán VCBS cho rằng sản lượng tôm của 2 nhà sản xuất lớn là Ecuador và Ấn Độ vẫn còn dư thừa để đáp ứng nhu cầu trong năm tới. Việc mở rộng sang sản xuất chế biến sâu sẽ làm tăng sự cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam ở thị trường Mỹ và Châu Âu.Tuy nhiên, áp lực giảm giá bán được dự báo sẽ hạ nhiệt do nguồn cung không còn gia tăng, và chi phí sản xuất tại Ecuardo vẫn ở trên điểm hoà vốn.

Cùng đó, việc giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng hạ nhiệt sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu vào, tối ưu lợi nhuận.