Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc: Cơ hội xen lẫn thách thức

Trang Mai 13:08 | 21/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tính tới tháng 11, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc & Hong Kong đạt 569 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, đây vẫn là mặt hàng đầy tiềm năng của tôm Việt Nam.

Tính tới tháng 11, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc & Hong Kong đạt 569 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, đây vẫn là mặt  hàng đầy tiềm năng của tôm Việt Nam.

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này trong tháng 11 tiếp tục giảm 24% đạt 52 triệu USD.

Nhu cầu của Trung Quốc & Hong Kong không ổn định, tăng trưởng dương trong 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8, sau đó quay lại đà giảm trong tháng 9, 10 và 11. Tuy vậy, mức độ sụt giảm không mạnh như những tháng đầu năm. Đây là thị trường có mức sụt giảm thấp nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính.

Nhu cầu của Trung Quốc không chỉ phụ thuộc tình hình tăng trưởng kinh tế, lượng tồn kho tại nước này mà còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung giá rẻ từ Ecuador. Theo đó, trong bối cảnh người dân cắt giảm chi tiêu, giảm bớt nhu cầu cho các sản phẩm có giá thành cao, lại thêm việc có quá nhiều nguồn cung “đổ xô” vào thị trường này với giá chào thấp. Nên tôm Việt Nam khó cạnh tranh về giá. Tháng cuối năm nay, xuất khẩu tôm Việt sang thị trường này dự kiến vẫn giảm so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc & Hong Kong dao động từ 543 triệu USD năm 2019 đến 664 triệu USD năm 2022. Trong 5 năm qua, xuất khẩu tôm sang thị trường này dao động không ổn định nhưng thị trường này vẫn duy trì là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và Nhật Bản. Mặc dù, kim  ngạch năm nay vẫn giảm so với 2022 (năm mà kim ngạch xuất khẩu tôm đạt kỷ lục) nhưng vẫn tăng so với các năm trước đó.

 

Thị trường tiềm năng nhưng cạnh tranh gay gắt

Dịch COVID-19 đã chấm dứt, kinh tế Trung Quốc có tín hiệu tích cực, nhu cầu tôm sú, tôm chân trắng đang hồi phục. Vị thế địa lý gần thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc về chi phí logistics.

Trung Quốc đang đẩy mạnh việc phục hồi kinh tế nhưng có vẻ họ không dành nhiều ngân sách cho sản xuất thuỷ sản nội địa. Bởi, Trung Quốc không coi đây là ngành hàng chủ lực có lợi nhuận cao. Do đó, đây là cơ hội cho Việt Nam tăng xuất khẩu vào thị trường này.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu, giống như mô hình các nước phương Tây.

Lượng tiêu thụ tôm của Trung Quốc lớn, thậm chí hơn cả Mỹ và Châu Âu. Trong năm 2023, ước tính nước này nhập khẩu lượng tôm khổng lồ lên tới 1 triệu tấn, chủ yếu là để chế biến, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu gần như không đáng kể.

Đại sứ Trung Quốc khẳng định nước này sẵn sàng mở rộng nhập khẩu các mặt hàng thuỷ sản, nông sản của Việt Nam. Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới có chuyến thăm Việt Nam, mở ra nhiều triển vọng tươi sáng trong quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước.

Trung Quốc là thị trường mục tiêu của nhiều nước xuất khẩu tôm như Ecuador, Ấn Độ với nguồn cung tôm nguyên liệu giá rẻ nên tôm Việt Nam phải chịu áp lực cạnh tranh về giá. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ chính các nhà chế biến tôm tại thị trường nội địa Trung Quốc.

Để tận dụng những cơ hội từ Trung Quốc, hoạt động giao thương B2B cần được tăng cường hơn nữa, trong đó giao thương cấp địa phương cần được quan tâm hơn. Ngoài ra, cần có sự trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu và quy định thị trường, đặc biệt khi có những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu.

Trong phân tích và dự báo ngành tôm công bố mới đây, Chứng khoán VCBS cho rằng nhu cầu sẽ hồi phục ở thị trường Mỹ và Trung Quốc ở nửa cuối năm sau. 

Cụ thể, lạm phát tại Mỹ đang dần hạ nhiệt, tại thời điểm tháng 9 chỉ số CPI của Mỹ đạt 3,7% (giảm 55% so với cùng kỳ). Điều này có thể kích thích tiêu dùng tại thị trường này, bên cạnh đó các dịp lễ Giáng Sinh và Năm mới vào thời điểm cuối năm sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu của các nước phương Tây. Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu còn dư thừa nhiều nên ngành thủy sản nhìn chung sẽ có những hồi phục rõ ràng hơn ở nửa cuối năm 2024.

Tại Trung Quốc, nền kinh tế cũng đang có những dấu hiệu hồi phục trở lại, chỉ số CPI trong tháng 8 giảm 133% so với tháng trước, GDP tăng 40% so với quý trước. Việc mở cửa trở lại sau dịch, cùng các chính sách thông quan nhập khẩu đã dần được nới lỏng, sẽ hỗ trợ tăng sản lượng tôm của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.