2 tháng cuối năm, ngành thuế cần phải thu thêm 274.576 tỷ đồng
Với những kết quả đạt được, ngành thuế cho hay, trong 2 tháng cuối năm còn phải thu 274.576 tỷ đồng, bằng 21,9% dự toán.
Thu ngân sách đạt 135.511 tỷ đồng
Chiều ngày 4/11, Bộ Tài chính đã tổ chức họp giao ban trực tuyến với các Vụ, đơn vị và 5 Tổng cục thuộc Bộ Tài chính về thực hiện chương trình công tác tháng 10 và triển khai chương trình công tác tháng 11. Tham dự tại điểm cầu Tổng cục Thuế có Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Vũ Chí Hùng, cùng lãnh đạo một số vụ đơn vị chức năng của Tổng cục Thuế.
Tổng cục Thuế cho hay, tổng thu ngân sách tháng 10 do cơ quan thuế quản lý đạt 135.511 tỷ đồng, bằng 10,8% dự toán, trong đó thu từ dầu thô đạt 1.834 tỷ đồng, bằng 5,2% dự toán. Thu nội địa đạt 133.677 tỷ đồng, bằng 11% dự toán.
Ước tính đến hết 10 tháng, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý đạt 979.724 tỷ đồng, bằng 78,1% dự toán, bằng 93,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 29.484 tỷ đồng, bằng 83,8% dự toán. Thu nội địa đạt 950.240 tỷ đồng, bằng 77,9% so với dự toán, bằng 95,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Tổng cục Thuế đánh giá, trong những tháng gần đây đang có những chuyển biến tích cực do Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, trong đó sản xuất công nghiệp tháng 10/2020 tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương. Trong tháng 10/2020, thương mại trong nước tiếp tục xu hướng tăng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số khoản thu tăng so với dự toán như thu từ thủy điện, thu từ đấu giá quyền sử dụng đất ở một số địa phương.
Bên cạnh những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế thì để có được kết quả trên còn có sự nỗ lực rất lớn của cơ quan thuế trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp thu. Trong đó tính đến hết tháng 10 năm 2020, toàn ngành thuế đã thực hiện được 60.748 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở DN và kiểm tra 521.605 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 51.380,7 tỷ đồng, bằng 115,9% so với cùng kỳ 2019, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh, kiểm tra là 15.246,1 tỷ đồng bằng 124,96% so với cùng kỳ năm 2019; giảm lỗ là 34.541,8 tỷ đồng bằng 114,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 8.052,7 tỷ đồng bằng 100,12% so với cùng kỳ năm 2019.
Cùng với đẩy mạnh thanh kiểm tra các DN có dấu hiệu rủi ro, trong những tháng đầu năm, cơ quan thuế các cấp đã tăng cường thực hiện các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ. Ước 10 đã thu hồi được 22.713 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: thu bằng biện pháp quản lý nợ là 15.615 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 7.098 tỷ đồng. Tính đến 2/11, đã có 49/63 cục thuế đã ban hành các quyết định khoanh nợ theo Nghị quyết 94 của Quốc hội với số nợ thuế được khoanh là 9.907 tỷ đồng.
Toàn ngành rà soát từng khoản thu, sắc thuế
Với kết quả đó trong 2 tháng cuối năm, ngành thuế còn phải thu 274.576 tỷ đồng, bằng 21,9% dự toán. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thiên tai, bão lụt đang gây thiệt hại lớn về người và của ở các tỉnh miền Trung. Để phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế rà soát lại từng khoản thu, sắc thuế, ước tổng thu ngân sách năm 2020 để có các giải pháp chỉ đạo, điều hành thu phù hợp.
Để giảm nợ đọng thuế, Vụ quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cần tiếp tục rà soát các doanh nghiệp có số nợ thuế lớn, đồng thời yêu cầu thực hiện các biện pháp đôn đốc và đề nghị có kế hoạch trả nợ dần trong 2 tháng cuối năm; triển khai các đoàn công tác để đôn đốc thu nợ đối với các địa phương có số nợ lớn; kiểm tra việc thực hiện khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội; đôn đốc số thuế GTGT, TTĐB kỳ tính thuế tháng 5/2020 được gia hạn theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP, Nghị định 109/2020/NĐ-CP nộp kịp thời vào ngân sách.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ điều chỉnh kế hoạch thanh, kiểm tra năm 2020, đồng thời yêu cầu cơ quan thuế các cấp sẵn sàng triển khai kế hoạch thanh, kiểm tra khi được Tổng cục Thuế phê duyệt. Các Cục Thuế cần tiếp tục triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước, Ban Kiểm tra TW, Thanh tra Bộ Tài chính; đôn đốc kịp thời các khoản thu này vào ngân sách.
Về công tác xây dựng văn bản pháp luật, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cũng nêu rõ, Chính phủ vừa ban hành 3 nghị định bao gồm: Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn chứng từ, Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Để những chính sách thuế mới đi vào cuộc sống, Tổng cục Thuế đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn 3 nghị định mới, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tập huấn triển khai các nghị định.
Tổng cục Thuế đang yêu cầu cơ quan thuế các cấp đang tiếp tục hoàn thiện quy trình vận hành 479 kênh hỗ trợ; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thuế điện tử Etax, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, thông suốt, qua đó tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận thông tin, quy định về các chính sách thuế.
HOÀNG QUÂN