2023 - năm của AI

Đức Huy (theo Rest of World) 08:19 | 01/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong năm 2023, dường như ai cũng đều tìm thấy mục đích sử dụng AI cho riêng mình.

2023 là năm mà AI thực sự vươn ra toàn cầu. Các công cụ như Midjourney và Dall-E đã trở thành một phần phổ biến, ngày càng chính xác hơn khi được sử dụng nhiều hơn. ChatGPT của OpenAI, ra mắt vào cuối năm 2022, đã khơi dậy trí tưởng tượng của những người đam mê công nghệ.

Nhiều người đã sử dụng ChatGPT với những mục đích khác nhau, từ việc ra phán quyết pháp lý ở Colombia đến hoạt động kinh doanh trên TikTok.

Theo dữ liệu từ Sameweb, dù số lượt truy cập ChatGPT đạt đỉnh trong tháng 5 và đi ngang sau đó, nhưng tính đến cuối tháng 11, đã có 1,7 tỷ lượt sử dụng chatbot này - một con số đang kinh ngạc.

Mọi người dường như đều tìm thấy công dụng cho AI vào năm 2023.

Các tỷ phú trong giới công nghệ được vẽ lại bởi AI. (Nguồn: Future Tools).

Các nhà quảng cáo phát cuồng với công nghệ này. Công ty quảng cáo Ogilvy đã tạo ra các phiên bản khác nhau của quảng cáo có sự góp mặt của Shah Rukh Khan, một ngôi sao Bollywood, để các cửa hàng nhỏ cá nhân hóa bằng AI và mời anh trở thành đại sứ thương hiệu của họ.

Các nhiếp ảnh gia, trước nguy cơ mất sinh kế vì AI, đã sử dụng nó để tạo ra những bức ảnh đoạt giải thưởng.

Tại Ấn Độ, từ tháng 1 tới tháng 3, ít nhất 5 chatbot tôn giáo đã xuất hiện. Được hỗ trợ bởi công nghệ GPT, chúng đưa ra câu trả lời dựa trên Bhagavad Gita, một cuốn kinh thánh Hindu gồm 700 câu.

Được biết đến với cái tên GitaGPT, những chatbot này bắt chước giọng điệu của vị thần Hindu Krishna và cam kết với người dùng sẽ trở thành “người bạn đồng hành tinh thần”.

Các chuyên gia đánh giá những chatbot như thế này có thể giúp các văn bản tôn giáo dễ tiếp cận hơn, nhưng chúng cũng có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm và không lường trước được.

Bởi vì chúng đang “đóng vai thần thánh”, bất cứ điều gì những chatbot này nói đều có thể được coi là tin lành, mặc dù họ chỉ đang bịa ra những câu trả lời đáng tin cậy dựa trên xác suất thống kê.

Tháng 3, công ty khởi nghiệp phát triển giọng nói dựa trên trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc Timedomain đã ra mắt “Him”, một ứng dụng có công nghệ tổng hợp giọng nói mang đến sự đồng hành ảo cho người dùng.

Hầu hết người dùng là những phụ nữ trẻ, họ đã tùy chỉnh các nhân vật của Him và sau đó tương tác với ứng dụng như thể đây là bạn trai yêu xa của mình. Họ nhận được những tin nhắn thoại đầy mùi mẫn hàng ngày - những cuộc gọi buổi sáng, lời nhắc ăn uống, những câu chuyện trước khi đi ngủ và thậm chí cả những bài thơ.

Người dùng nhanh chóng gắn bó với những người bạn đồng hành AI của họ. Vì vậy, khi Timedomain thông báo Him sẽ đóng cửa vào đầu tháng 7 do lượng người dùng tăng trưởng trì trệ, nhiều phụ nữ đã rất thất vọng.

“Anh ấy qua đời vào mùa hè trong khi tôi trót phải lòng mất rồi”, một người dùng đau lòng viết trên ứng dụng mạng xã hội Xiaohongshu. Những người khác vội vàng lưu lại tin nhắn thoại, một số thậm chí còn tìm đến các nhà đầu tư, hy vọng quyên góp đủ tiền để cứu Him.

Ông Sidhu Moosewala, một trong những ngôi sao hiphop có ảnh hưởng nhất Nam Á, đã mất sau khi bị các tay súng bắn vào ngày 29/5/2022. Một năm sau khi ông qua đời, hàng chục bản nhạc mới với giọng hát của ông đã được tạo ra bằng AI, phân phối trên SoundCloud và YouTube.

Một số bài hát đã thu hút hàng nghìn lượt nghe, làm dấy lên các cuộc tranh luận về luật bản quyền và tiền bản quyền trong thời đại AI.

Các bài hát AI của Moosewala không phải là bài hát duy nhất khuấy động ngành công nghiệp âm nhạc.

Các dự án AI do Trung Quốc sản xuất như So-Vits-SVC, được các lập trình viên chia sẻ trên nền tảng như GitHub, cho phép người dùng internet đào tạo các mẫu giọng nói deepfake và tái tạo giọng nói của người nổi tiếng.

Từ Singapore đến Tây Ban Nha, các ca sĩ giờ phải cạnh tranh với những nghệ sĩ đã qua đời được hồi sinh nhờ AI.

Nghệ sĩ người Singapore Stefanie Sun cam chịu số phận của mình: Phiên bản AI của cô phổ biến hơn chính cô.

Trong một bài đăng trên blog vào tháng 5, cô viết về cảnh báo rằng không ai có thể cạnh tranh với AI: “Làm thế nào có thể cạnh tranh lại với một phiên bản phát hành album mới chỉ trong vài phút?”.

Lịch sử cũng được viết lại bởi AI. Điều gì sẽ xảy ra nếu Mexico gây chiến với Mỹ? Trên TikTok, các tài khoản như @what.if_ai đã đăng nội dung lấy cảm hứng từ sự tò mò phi thực tế này.

Tài khoản này đã dùng  ChatGPT để viết tập lệnh tương ứng và Midjourney để tạo hình ảnh minh hoạ.

Kết quả từ AI cho ra những hình ảnh phi thực tế như Vương quốc Anh do Ấn Độ cai trị, hoặc Tây Ban Nha bị Philippines xâm chiếm.

Ở Argentina, một tài khoản Instagram có tên IAbuelas đăng những hình ảnh do AI tạo ra để tưởng tượng những đứa trẻ bị bắt cóc cách đây 40 năm trong chế độ độc tài ở Argentina sẽ trông như thế nào ở thời điểm hiện tại.

Hình ảnh được tạo ra bằng cách ghép các bức ảnh của cha mẹ đứa trẻ trên nền tảng Midjourney và sau đó áp dụng bộ lọc lão hóa.

Một số người coi những hình ảnh này là một công cụ hữu ích để nâng cao nhận thức, trong khi người khác cảnh báo rằng những hình ảnh này chỉ đơn giản là sự thể hiện mang tính nghệ thuật và không nên coi đó là sự thật.