26 doanh nghiệp nông nghiệp niêm yết thu về hơn 27.000 tỷ đồng trong Quý II/2023

Lạc Lạc 09:25 | 13/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo phân tích lĩnh vực nông nghiệp mới công bố, Chứng khoán KIS Việt Nam thống kê rằng doanh thu 26 công ty niêm yết trong lĩnh vực nông nghiệp quý II/2023 tăng 19% so với năm ngoái, lên hơn 27.000 tỷ đồng, chủ yếu nhờ doanh thu của các doanh nghiệp trồng trọt và chăn nuôi. So với quý trước, kết quả này còn tăng mạnh hơn với 34% và là kết quả của xu hướng tăng trong cả sản xuất trồng trọt và thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh doanh thu, tỷ suất lợi nhuận gộp của 26 doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp  đã tăng nhẹ từ 12,6% trong quý II/2022 lên 13,4% trong quý II năm nay do chi phí lúa đầu vào tăng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 859 tỷ đồng, mức tăng trưởng mạnh mẽ sau khi lỗ 174 tỷ đồng trong quý I.

 Doanh thu và lợi nhuận sau thuế (NPATMI) các doanh nghiệp mảng nông nghiệp trong quý II đã có sự cải thiện rõ rệt. Ảnh: KISViệt Nam

Giá gạo tăng vọt trong quý II 

Cụ thể, doanh thu của các doanh nghiệp trồng trọt tăng 20% so với cùng kỳ lên 19.000 tỷ đồng. Sự phục hồi mạnh mẽ được ghi nhận ở gạo, trái cây và rau củ. Giá trị xuất khẩu cây trồng trong quý II tăng 21%, đạt 6,4 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng mạnh của rau quả, gạo và giá trị xuất khẩu của cà phê. 

 Quý II là cao điểm của xuất khẩu rau quả Việt Nam. Ảnh: KIS Việt Nam

Doanh thu rau củ  tăng mạnh cả về giá và lượng nhờ nhu cầu cao nhờ Trung Quốc, quốc gia từng là thị trường xuất khẩu rau củ chính của Việt Nam trước COVID 19, mở cửa trở lại. Quý II cũng là mùa cao điểm của trái cây Việt Nam và nước ta đã được chứng nhận vùng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Mặc dù doanh thu tăng, nhưng biên lợi nhuận gộp giảm 0,6% so với cùng kỳ xuống 12,1% trong quý II, chủ yếu do giá lúa giống tăng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ phục hồi về giá trị dương 584 tỷ đồng, so với mức lỗ 75 tỷ đồng trong quý II năm ngoái. 

Trong số các doanh nghiệp xuất khẩu top đầu, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (mã: VSF) đóng góp tỷ trọng lớn nhất với doanh thu 6.900 tỷ đồng, tăng 57%. Vị trí thứ hai là Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) với doanh thu 3.700 tỷ đồng và sau đó là Tập đoàn Pan (mã: PAN) với 2.800 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu tăng trưởng cao nhưng VSF ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 1 tỷ đồng và lợi nhuận của LTG chủ yếu được đóng góp từ khoản lãi từ việc mua CTCP Lương thực Lộc Nhân. 

 Doanh nghiệp xuất khẩu gạo với nhiều kết quả trái chiều.Ảnh: KIS Việt Nam

 Giá gạo tiếp tục ở mức cao trong quý III 

Từ diễn biến thị trường, KIS dự đoán kim ngạch xuất khẩu gạo  sẽ tiếp tục tăng trên cơ sở hàng quý và hàng năm trong quý III, dựa trên cơ sở Nga rút khỏi Thỏa thuận Sáng kiến Lương thực Biển Đen, cho phép Ukraine xuất khẩu lương thực và phân bón từ ba cảng chính của Ukraine ở Biển Đen, dẫn đến nỗi lo ngại sụt giảm nguồn cung lương thực trên toàn cầu. 

Bên cạnh đó, hiện tượng thời tiết El Nino bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài khoảng 2-3 năm, có nguy cơ gây hạn hán trên một số vùng trồng lúa ở Đông Nam Á kéo theo năng suất giảm. Ngoài ra, Ấn Độ, nước đóng góp 37% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu hàng năm, cấm xuất khẩu gạo trắng nonbasmati, bên cạnh lệnh cấm xuất khẩu gạo 25% tấm và áp thuế 30% đối với gạo non-basmati kể từ tháng 9/2022. Tuy nhiên, giá gạo cao dẫn đến nhu cầu cây giống và nguyên vật liệu khác cho các vụ gieo trồng sắp tới tăng cao. Do đó, chứng khoán KIS kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ giảm theo quý và duy trì ổn định theo năm. Nhiều doanh nghiệp đang tìm thêm nguồn tài chính để mở rộng đầu tư vụ Thu Đông, có thể đẩy chi phí lãi vay lên cao bất chấp chính sách nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước.

Các doanh nghiệp chăn nuôi có lãi trong quý II

Công ty chứng khoán đã tổng hợp 5  doanh nghiệp chăn nuôi niêm yết trong quý II, cho thấy doanh thu đã cải thiện 18% so với cùng kỳ, đạt 6.400 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ giá cải thiện do nhu cầu phục hồi và nguồn cung thấp hơn. Biên lợi nhuận gộp lên 16,4% do chi phí cung cấp thức ăn chăn nuôi giảm 20% sau khi Nga tái gia nhập thỏa thuận Biển Đen và thời tiết El Nino thuận lợi cho sản xuất ngô ở Argentina.

Về phía doanh nghiệp, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã: DBC) đạt doanh thu 3.500 tỷ đồng trong quý II, tăng 17% so với cùng kỳ và gấp đôi so với Masan MeatLife (mã: MML) với 1.700 tỷ đồng, tăng 69%. Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã: BAF) có doanh thu 1.600 tỷ đồng, tăng 15% và Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (mã: VSN) 809 tỷ đồng, giảm 11%. 

Xét về lợi nhuận, DBC đã lãi 327 tỷ đồng trong quý II, gấp 23 lần quý II/2022. MML lỗ 125 tỷ đồng chủ yếu do chi phí lãi vay cao và chi phí khuyến mãi liên quan đến công ty con mới hợp nhất Masan Jinju.

 Lợi nhuận công ty chăn nuôi đã có sự cải thiện, tuy nhiên vẫn phải chịu nhiều "gánh nặng" từ lãi vay.Ảnh: KIS Việt Nam