Chuyên gia kinh tế: Lạm phát cả năm vượt 4% vẫn 'chấp nhận được'

Diên Vỹ 09:15 | 29/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44%

Theo số liệu mới nhất do Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,69% so với tháng 5 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê cho biết giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 6 tăng đáng kể.

Bình quân quý II/2022, CPI tăng 2,96% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44%; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê, Diên Vỹ tổng hợp)

Trong 6 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ 2021, làm CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm và giá gas tăng 25,92%, làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm là 2 trong số những nguyên nhân chính đẩy mức tăng  lạm phát bình quân 6 tháng lên 2,44%.

Ngoài ra, 3 nhóm hàng hóa khác cũng đóng góp đáng kể vào mức tăng CPI 6 tháng bao gồm: giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng;giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 6 tháng tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm và giá gạo tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm do đà tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng.

Bên cạnh đó, có 3 nhóm hàng hóa ghi nhận mức giá giảm, góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm. Một là giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung giảm 0,08 điểm phần trăm. Thứ hai, giá dịch vụ giáo dục giảm 3,56%, làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, giá bưu chính viễn thông giảm 0,55% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm. 

Trong khi đó, lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,44%). Theo Tổng cục Thống kê, điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Lạm phát có vượt 4% vẫn chấp nhận được

Trao đổi với Doanh nhân Việt Nam, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong nhận định kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu 4% trong năm nay là một thách thức và chưa chắc đạt được, nhưng điều này không bất ngờ vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, tất yếu.

"Lạm phát tại Việt Nam theo sơ đồ chúng tôi nghiên cứu là chưa đạt đỉnh đâu, phải đến cuối quý III, quý IV/2022 mới lên cao. Nhưng hiện nay, mới được nửa chặng đường của năm mà lạm phát tháng 6 tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát 6 tháng tăng 2,44%, thì đó cũng là mức cao rồi. Chưa kể năm nay là năm tích hợp lại những nguyên nhân gây lạm phát từ các năm trước đó", TS Nguyễn Minh Phong cho hay.

Ông Phong phân tích lạm phát năm nay tại Việt Nam được thúc đẩy bởi cả 4 yếu tố. Thứ nhất là lạm phát tiền tệ gắn với tăng cung tiền, tăng tín dụng, tăng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong những năm trước. Thứ hai là lạm phát chi phí đẩy khi tất cả chi phí sản xuất hàng hóa và tiêu dùng dịch vụ đều tăng, nhất là giá xăng dầu. Thứ ba là lạm phát cầu kéo khi lượng cầu tăng còn nguồn cung gặp áp lực, nhất là trong bối cảnh tiêu dùng phục hồi từ đại dịch. Cuối cùng là nhập khẩu lạm phát.

Tất cả 4 yếu tố cho thấy áp lực lạm phát cuối năm sẽ tiếp tục mạnh lên, mặc dù vẫn có le lói những cơ hội hạ nhiệt, chẳng hạn nếu căng thẳng Nga - Ukraine hạ nhiệt, các nước tăng lãi suất để chống lạm phát hiệu quả… Tuy nhiên, đó là những yếu tố chưa chắc chắn, vị chuyên gia kinh tế chỉ ra. Do đó, mục tiêu lạm phát 4% năm nay vẫn còn nhiều thách thức.

"Mặc dù một số báo cáo cho thấy nó có thể đạt được nhưng từ góc độ cá nhân, tôi nhìn nhận rằng chưa chắc đã đạt được. Nhưng điều đấy không sao cả, vẫn có thể chấp nhận được vì với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì tăng trưởng lạm phát dưới 5% là bình thường", ông Phong nói thêm.