ADB cho 3 dự án điện gió tại Việt Nam vay 116 triệu USD
Được biết, các doanh nghiệp dự án thụ hưởng khoản vay từ ADB gồm Công ty cổ phần Điện gió Liên Lập (Liên Lập), Công ty cổ phần Điện gió Phong Huy (Phong Huy) và Công ty cổ phần Điện gió Phong Nguyên (Phong Nguyên).
Được biết, cả ba doanh nghiệp dự án này có liên quan đến nhau về chủ sở hữu, mỗi nhà máy có
công suất 48MW, tổng công suất cả ba nhà máy là 144MW. Điện năng tạo ra được ước tính vào khoảng 422 GWh/năm và tránh phát thải trung bình 162.430 tấn khí CO2.
Khi hoàn thành và hòa lưới toàn bộ công suất, ba dự án này được kỳ vọng sẽ tăng công suất năng lượng của điện gió của Việt Nam thêm 30%.
Khoản vay này thuộc một phần của gói tài trợ cho khoản vay xanh cho dự án trị giá 173 triệu USD do ADB sắp xếp và hợp vốn. Ngân hàng này cũng vai trò là bên chủ trì sắp xếp khoản vay và người bảo lãnh chính.
Điện gió Việt Nam đang nhận được hỗ trợ từ nhiều tổ chức, ngân hàng quốc tế
Đây là khoản tài trợ đầu tiên của ADB cho một dự án điện gió ở Việt Nam. Gói tài trợ gồm 2 phần, 1 phần do ADB góp vốn trực tiếp trị giá 35 triệu USD, phần còn lại khoảng 81 triệu USD khoản vay hợp vốn loại B.
Trước đó, ba dự án đã nhận được chứng nhận từ tổ chức Sáng kiến trái phiếu khí hậu - đơn vị quản lý Chương trình tiêu chuẩn và chứng nhận trái phiếu khí hậu quốc tế.
Dù chủ đầu tư không thực sự là doanh nghiệp nổi tiếng tại Việt Nam, tuy nhiên ông Jackie B. Surtani, Trưởng ban tài trợ cơ sở hạ tầng Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Vụ Nghiệp vụ Khu vực tư nhân của ADB vẫn lạc quan nhận định kinh nghiệm rút ra từ việc tài trợ cho 3 dự án này sẽ giúp ADB này trong các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Theo ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc PCC1 - đơn vị sở hữu cổ phần tại ba doanh nghiệp dự án điện gió - cho biết việc ADB cấu trúc thỏa thuận, thẩm định và sắp xếp hợp vốn khoản vay sẽ ảnh hưởng sự thành công của dự án này.
Được biết, tháng 9/2020 ADB cũng đã tài trợ 186 triệu USD cho dự án điện mặt trời tại Phú Yên.
Hiện, có khá nhiều định chế tài chính thế giới đang tài trợ cho các dự án năng lượng sạch tại Việt Nam. Chẳng hạn IFC - thành viên thuộc nhóm Ngân hàng thế giới - tài trợ 57 triệu USD cho hai dự án ở Bình Thuận và Ninh Thuận. Hay Standard Chartered (Mỹ) cũng cho biết dành ngân sách lên tới 462 triệu USD cho vay đối với các dự án năng lượng sạch tại Việt Nam.
H.S
Xem thêm: Điện gió Trung Nam chuyển nhượng hơn 35% cổ phần cho Hitachi SE