ADB: Việt Nam cần tập trung đảm bảo một thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh

Đông Bắc 12:41 | 06/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau những bất cập của trái phiếu tập đoàn Tân Hoàng Minh, đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng Việt Nam còn thiếu văn hoá xếp hạng tín nhiệm đối với thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đây là điều rất quan trọng giúp thị trường này phát triển.

Tập trung đảm bảo một thị trường trái phiếu lành mạnh

Tại buổi họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2022 của ADB sáng nay 6/4, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế quốc gia ADB, cơ quan thường trú tại Việt Nam, đánh giá trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam tăng trưởng rất mạnh trong năm vừa qua. Đây là tín hiệu tốt vì trong thị trường tài chính Việt Nam, trái phiếu DN hiện chưa phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự gia tăng quá nhanh trong khi nền tảng cơ sở chưa đáp ứng kịp.

Ông Cường phân tích: "Ví dụ như với nhà phát hành, rất nhiều doanh nghiệp đua nhau phát hành trái phiếu doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, thông tin về trái phiếu doanh nghiệp và tài sản bảo đảm chưa vững chắc. Còn với nhà đầu tư, không phải nhà đầu tư nào cũng có kinh nghiệm, còn mang tính tâm lý số đông. Có thể thấy ở cả 2 phía, sự sẵn sàng về thông tin, sự chủ động cũng chưa ở mức có thể bảo đảm cho sự phát triển trái phiếu doanh nghiệp bền vững. Ngoài gia, việc đánh giá tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu chưa thực sự phát triển".

Đại diện ADB tại buổi họp - Ảnh Ngọc Diệp.

Theo ông Cường, vẫn nên khuyến khích phát triển của trái phiếu doanh nghiệp vì đây là một kênh huy động vốn trung và dài hạn rất hiệu quả. Tuy nhiên, mặt khác cũng cần nhanh chóng xây dựng hệ thống pháp lý cũng như kỹ năng, kiến thức của cả người phát hành cũng như nhà đầu tư để có thể phát triển được thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Khi được hỏi về trường hợp hủy bỏ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua, Chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB Việt Nam cho biết, ông không có câu trả lời cụ thể mà sẽ đưa ra những phân tích mang tính vĩ mô. Ông Cường cho rằng từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa đến thời gian gần đây, một trong những cải cách quan trọng được tập trung là cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Gần đây, khi Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình, doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh, có các tập đoàn lớn bắt đầu xuất hiện. Thị trường sẽ bị tác động không những bởi các doanh nghiệp Nhà nước mà có thể bị ảnh hưởng bởi doanh nghiệp tư nhân.

Chuyên gia kinh tế quốc gia của ADB Việt Nam nhấn mạnh: "Hiện nay, điều quan trong nhất với Việt Nam là tập trung bảo đảm một thị trường cạnh tranh lành mạnh, cho dù là doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh việc cải cách doanh nghiệp Nhà nước vốn hết sức quan trọng, xu hướng tập trung vào quản lý thị trường, đặc biệt là hạn chế sự thao túng thị trường của các tập đoàn lớn cũng rất quan trọng".

Trả lời bổ sung câu hỏi hủy bỏ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries cho biết: Chúng tôi nhận thấy có sự thiếu văn hoá về xếp hạng tín nhiệm đối với thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp. ADB đang làm việc với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế. Chúng tôi mong muốn tìm kiếm nhiều hỗ trợ hơn trong lĩnh vực này. "Việc các trái phiếu DN được xếp hạng theo mức độ rủi ro, theo sức mạnh về tài chính của cơ quan phát hành trái phiếu là rất quan trọng".

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam. Ảnh Ngọc Diệp. 

Kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng mạnh trên mọi lĩnh vực

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, đợt bùng phát dịch COVID-19 mới đã cản trở sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, thắt chặt thị trường lao động và gây gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất trong năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng cao đã cho phép Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp kiềm chế đại dịch nghiêm ngặt. Sự thay đổi kịp thời trong chiến lược ngăn chặn đại dịch đã giúp khôi phục các hoạt động kinh tế và giảm bớt những nút thắt trong môi trường kinh doanh.

 

Dự báo tăng trưởng 6,5% năm 2022

Kinh tế Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6,5% trong năm nay, và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6,7% trong năm 2023, do tỷ lệ tiêm chủng cao, đẩy mạnh thương mại và tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, một báo cáo mới được công bố ngày 6-4 của ADB.

Đặc biệt khi Quốc hội đã phê chuẩn gói giải pháp tài khóa và tiền tệ, ước tính lên đến 15 tỷ đô la để triển khai Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế (ERDP) trong năm 2022 và 2023.

“Các giải pháp tiền tệ của ERDP sẽ cung cấp thêm thanh khoản cho nền kinh tế thông qua việc các tổ chức tín dụng dự kiến ​​giảm lãi suất cho vay 0,5% –1,0% trong năm nay và năm sau và tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tín dụng đến hết năm 2023. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%. Việc cắt giảm lãi suất và nhu cầu tín dụng phục hồi của các doanh nghiệp giúp đạt được chỉ tiêu này.”- đại diện ADB đánh giá.

Ngoài ra, thị trường lao động phục hồi và các biện pháp kích cầu khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở mức 9,5% vào năm 2022 theo dự báo, đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.

Vẫn có những rủi ro ngắn hạn

Mặc dù có nhiều triển vọng phục hồi, song theo đánh giá của ADB, triển vọng này bị ảnh hưởng bởi những rủi ro ngắn hạn.

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế quốc gia ADB, cơ quan thường trú tại Việt Nam cho rằng, số ca nhiễm COVID-19 tăng cao kể từ giữa tháng 3 có thể cản trở quá trình trở lại bình thường của nền kinh tế trong năm nay. Tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại và giá dầu thế giới tăng cao do xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và giá dầu trong nước, ảnh hưởng đến lạm phát. Hơn nữa, những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu và việc các nền kinh tế tiên tiến ngừng thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng sẽ làm suy yếu đồng nội tệ của Việt Nam, làm cho nhập khẩu đắt hơn và gia tăng áp lực lạm phát.

“Lạm phát được dự báo sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4,0% vào năm 2023. Tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam. Nợ xấu gia tăng là một rủi ro khác trong trung hạn. Bên cạnh việc chi phí vật liệu xây dựng tăng nhanh, thủ tục giải ngân vốn đầu tư công phức tạp có thể làm chậm việc triển khai chương trình ERDP của Việt Nam, giảm tác động mong muốn đối với tăng trưởng”­- ông Nguyễn Minh Cường cho hay.

Trước những rủi ro trên, ADB cho rằng, sự phục hồi cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ triển khai khai nhanh chóng và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.