ADB: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,5% năm nay, bứt phá mạnh năm 2023

11:53 | 06/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại họp báo "Triển vọng kinh tế Việt Nam" do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức sáng 6/4, chuyên gia kinh tế trưởng ADB, ông Nguyễn Minh Cường cho biết ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,5% năm nay, bứt phá mạnh năm 2023 - Ảnh minh họa.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, triển vọng phục hồi của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những rủi ro ngắn hạn. Số ca nhiễm COVID-19 tăng cao kể từ giữa tháng 3 có thể cản trở quá trình trở lại bình thường của nền kinh tế trong năm nay. Tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại và giá dầu thế giới tăng cao do căng thẳng Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và giá dầu trong nước, ảnh hưởng đến lạm phát.

Việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch vào giữa tháng 3 và nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dịch vụ, theo đó dự báo tăng trưởng ngành dịch vụ là 5,5% trong năm nay.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan. Cùng với sự phục hồi kinh tế và tình trạng bất ổn của giá dầu toàn cầu, lạm phát dự kiến ​​sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4,0% vào năm 2023, chuyên gia ADB nhấn mạnh.

Việc tăng cường phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương và sư dịch chuyển lao động phục hồi sẽ khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, dự kiến ​​sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, hình thành các thị trường xuất khẩu ổn định và đáng tin cậy cho Việt Nam.

Nhiều thành tựu đạt được trong thời gian qua

Tổng giá trị trái phiếu chính phủ phát hành trong năm 2021 đạt mức tương đương 13,7 tỷ đô la, tăng 32% so với năm 2019. Các nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính dần xuất hiện. Sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu thông qua các đợt phát hành riêng lẻ, phần lớn không có tài sản bảo đảm và không được xếp hạng tín nhiệm, gây lo ngại về rủi ro tiềm ẩn. Nợ xấu (NPL) có thể tiếp tục tăng khi việc cơ cấu lại khoản vay và giữ nguyên nhóm nợ dừng lại.

Xuất khẩu thương mại hàng hóa tăng lên 19% vào năm 2021, từ mức 7% vào năm 2020. Các lô hàng điện thoại di động, máy tính và điện tử chiếm 32% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 13,2%. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 28,4% thị phần trong tổng giá trị xuất khẩu, tiếp theo là Trung Quốc. 

Kinh tế Việt Nam sẵn sàng hồi phục mạnh mẽ.

Thặng dư thương mại hàng hóa giảm xuống còn 4,9% GDP từ mức cao kỷ lục 8,9% năm 2020. Nhập khẩu tăng do phục hồi sản xuất và tiêu dùng trong nước. Thặng dư thương mại thu hẹp, cùng với giảm thu ròng từ dịch vụ khiến cán cân vãng lai bị thâm hụt, ước vào khoảng 1,1% GDP so với mức thặng dư 4,4% vào năm 2020. Vốn vào ròng làm thặng dư tài khoản vốn tăng lên, ước tính 8,5% GDP, giúp cán cân thanh toán tổng thể thặng dư khoảng 3,9% GDP (Hình 3.32.5). Cuối tháng 12, dự trữ ngoại hối ước tính tương đương với 3,9 tháng nhập khẩu, giảm nhẹ so với mức 4,2 tháng vào cuối năm 2020.

Bội chi ngân sách ước tính tăng lên mức 3,8% GDP so với 3,5% vào năm 2020. Thu ngân sách tăng nhẹ 1% do thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 22%, và thu từ dầu mỏ tăng 32%. Bù trừ với những khoản tăng này là sự sụt giảm 3% trong thu thuế nội địa do hoạt động kinh tế yếu hơn. Chi tiêu chính phủ chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ gia tăng chi tiêu cho COVID-19 nhưng lại chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Đại dịch làm cho quá trình thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước chậm lại. Năm 2021, thu từ thoái vốn và cổ phần hóa các doanh nghiệp này chỉ đạt 14,5% kế hoạch. Chất lượng tài sản ngân hàng bị ảnh hưởng bởi hoạt động kinh tế yếu đi.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ là khoảng 2,0% vào cuối năm 2021, so với mức 1,7% vào cuối năm 2020. Tổng nợ xấu, bao gồm cả các khoản nợ bán cho Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) nhưng chưa được xử lý và các khoản cho vay khác có rủi ro trở thanh nợ xấu ước tính khoảng 3,8% tổng dư nợ.