Amazon đối mặt với điều tra chống độc quyền

16:48 | 17/09/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Amazon đang phải đối mặt với các cuộc điều tra chống độc quyền từ cơ quan giám sát cạnh tranh của Liên minh châu Âu, cũng như tại Mỹ.

Amazon đối mặt với điều tra chống độc quyền - ảnh 1
Amazon đang bị chịu sự giám sát chặt chẽ với các cáo buộc thao túng thị trường bán lẻ trực tuyến. (Nguồn: Getty Images) 
Áp đặt bất cân xứng với các đối tác thương mại

Tập đoàn bán lẻ trên mạng Amazon tuần qua đã bị Bộ Tài chính Pháp ra phán quyết phạt Tập đoàn bán lẻ trên mạng Amazon 4 triệu euro vì các điều khoản lạm dụng trong hợp đồng ký với các nhà bán hàng trên chợ điện tử.

Theo đó, Tập đoàn Amazon đã lạm dụng các điều khoản trong hợp đồng ký với các nhà bán hàng trên chợ điện tử.

Tuyên bố của Bộ Tài chính Pháp cho biết sau cuộc điều tra kéo dài 2 năm, do cơ quan giám sát gian lận tiêu dùng DGCCRF tiến hành, tòa đã phát hiện "hàng chục điều khoản... do Amazon áp đặt với các đối tác thương mại của mình là đặc biệt bất cân xứng, và vì vậy, không phù hợp với các quy định của Bộ luật Thương mại."

Tuyên bố nêu rõ công ty trên đã lạm dụng ưu thế của mình thông qua các điều khoản hợp đồng cho phép đơn phương thay đổi các điều kiện thương mại, hoặc kết thúc hợp đồng mà không cần giải thích hoặc thông báo tài khoản của một trong các nhà bán hàng.

Vì vậy, tòa phán quyết Amazon phải nộp phạt 4 triệu euro, "mức phạt cao nhất từ trước tới nay đối với các vụ kiện như vậy."

Phán quyết trên bắt buộc các chi nhánh của Amazon tại châu Âu và đặc biệt tại Pháp trong vòng 6 tháng phải thay đổi một số điều khoản hợp đồng liên quan đến các điều kiện sử dụng "các chợ điện tử" của mình. Nếu không, công ty này sẽ phải nộp phạt lên tới 10.000 euro cho mỗi ngày chậm trễ.

Bị tố đổi thuật toán tìm kiếm, ưu tiên sản phẩm của mình

Amazon đối mặt với điều tra chống độc quyền - ảnh 2
Nguồn: The Local France 
Nhật báo Phố Wall dẫn các nguồn thạo tin vừa cho biết Amazon đã thay đổi các thuật toán trong hệ thống tìm kiếm sản phẩm của mình để ưu tiên các sản phẩm có "nhãn hiệu riêng" và các sản phẩm có lợi nhuận cao hơn của họ thay vì hiển thị kết quả tìm kiếm sản phẩm phù hợp nhất với người tiêu dùng.

Theo bài báo trên Nhật báo Phố Wall, gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến đã điều chỉnh hệ thống tìm kiếm sản phẩm vào cuối năm ngoái để thay vì xuất hiện các sản phẩm bán chạy nhất hoặc phù hợp nhất với người tiêu dùng, công ty đã kết hợp các biến số tìm kiếm mới nhằm tăng sự nổi bật của các sản phẩm mang lại tỉ suất lợi nhuận cao hơn.

Một số bộ phận trong công ty cũng được cho là đã gây áp lực cho các kỹ sư tìm kiếm ủng hộ các sản phẩm nhãn hiệu riêng của họ.

Trong nội bộ, các giám đốc điều hành cấp cao trong doanh nghiệp bán lẻ Amazon và A9 - nhóm tìm kiếm của công ty - đã có những tranh cãi với nhau. Các giám đốc điều hành bán lẻ tin rằng Amazon nên giới thiệu các thương hiệu nội địa, tương tự như cách các cửa hàng tạp hóa quảng bá thương hiệu của họ, trong khi các nhân viên A9 cho rằng điều đó đi ngược lại tiêu chí ưu tiên mang đến lợi ích tốt nhất cho khách hàng của Amazon.

Ngoài ra, các luật sư của Amazon cũng phản đối sự thay đổi này và cho rằng nó có thể thu hút sự giám sát thêm từ các cơ quan quản lý chống độc quyền.

Tuy nhiên, bất chấp những phản đối dữ dội từ nội bộ, giới lãnh đạo Amazon vẫn đồng ý cho thay đổi thuật toán tìm kiếm và theo các nguồn tin của Nhật báo Phố Wall, việc thay đổi đã diễn ra vào năm ngoái.

Người phát ngôn của Amazon nói với CNBC rằng họ không thay đổi kết quả tìm kiếm để ưu tiên lợi nhuận, nhưng thừa nhận rằng lợi nhuận dài hạn là một yếu tố được sử dụng khi đánh giá các tính năng tìm kiếm mới.

Người phát ngôn cũng lưu ý rằng doanh số bán hàng trực tuyến của Amazon, chiếm chưa đến 1% doanh số bán lẻ toàn cầu và 4% doanh số bán lẻ của Mỹ và doanh số nhãn hiệu riêng chỉ chiếm 1% tổng số sản phẩm được bán trên trang web của gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến.

Thông tin trên xuất hiện giữa lúc Amazon phải đối mặt với các cuộc điều tra chống độc quyền từ cơ quan giám sát cạnh tranh của Liên minh châu Âu, cũng như tại Mỹ.

Trước đó, như một phần của cuộc điều tra chống độc quyền rộng lớn hơn đối với các công ty công nghệ lớn, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã yêu cầu các tài liệu từ Amazon về cách các sản phẩm riêng của hãng ảnh hướng đến thuật toán tìm kiếm, cũng như dữ liệu nào được cung cấp cho người bán trên nền tảng bán lẻ trực tuyến này.