Ảnh hưởng đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp BĐS xin hỗ trợ cơ chế, không hỗ trợ tiền
Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi lãnh đạo TP. HCM và các cơ quan liên quan kiến nghị việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản vượt qua đại dịch Covid-19.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, nhấn mạnh Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền mà chỉ xin hỗ trợ cơ chế tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục đầu tư xây dựng để tăng sức chống chịu và vượt qua đại dịch Covid-19.
Ở tầm quốc gia, ông Châu kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản khai thác chủ động nguồn cung vắc-xin ngừa COVID-19. Điều này giúp các doanh nghiệp chủ động phòng ngừa cho người lao động trong ngành, thúc đẩy cho thị trường bất động sản tăng trưởng.
Với riêng TP. HCM, HoREA đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm trình UBND TP. HCM ban hành văn bản hướng dẫn trình tự thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hoà Bình tại Văn bản số 382/TB-VP ngày 12/5/2021.
Theo đó, Hiệp hội đề xuất nội dung 4 bước thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp giấy phép cho dự án. Văn bản này đã được cắt giảm 2 bước so với trước, việc cắt giảm 2 bước trong việc xin thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở, hoặc các quy định chi tiết về tỷ lệ khu đất... giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án.
Đồng thời, HoREA cũng đề nghị Sở Quy hoạch và Kiến trúc sớm trình UBND TP. HCM ban hành quy định điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỉ lệ khu đất do nhà nước trực tiếp quản lý để tách thành dự án độc lập theo chỉ đạo tại văn bản số 126/TB-VP ngày 11/3/2021.
Đáng chú ý, HoREA kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ "ách tắc" về việc nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại đã có quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp, hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, nhưng không được công nhận là chủ đầu tư.
Ông Châu phân tích: Hiện nay, theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP, tất cả các dự án nhà ở thương mại, nhà đầu tư đã có quyền sử dụng 100% đất nông nghiệp, hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, nhưng không được công nhận là chủ đầu tư, mặc dù nhà đầu tư đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất các thửa đất này đúng quy định của Luật Đất đai 2013 và Luật Đầu tư 2020.
“Với quy định này, dù đã đủ thực hiện nghĩa vụ theo Luật Đất đai và Luật Đầu tư, nhưng chủ đầu tư vẫn không thể thực hiện được dự án vì vướng phải Nghị định 30, điều này khiến quá trình thực hiện dự án bị kéo dài, gây ra hiện tượng chậm tiến độ, độn vốn lên cao. Do đó, tôi mong Chính phủ, UBND sớm xem xét để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản”, ông Châu nói.
Hoa Trần (t/h)
Xem thêm: Dòng tiền đang chảy mạnh vào bất động sản cao cấp, Thủ tướng yêu cầu điều tiết thị trường