Áp lực thanh toán, loạt DN BĐS muốn phát hành cổ phiếu lấy tiền trả nợ vay, làm dự án
Hàng loạt kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn của doanh nghiệp BĐS
Theo thông tin đã công bố, ngày hôm nay 13/5, CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (mã: PDR) sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền mua hơn 134 triệu cổ phiếu phát hành thêm để tăng vốn. Thời gian đăng ký mua và nhận tiền từ 16/5-5/6.
Cụ thể, PDR dự kiến phát hành hơn 134 triệu cổ phiếu với mức giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ chào bán 5,5:1 (cổ đông nắm 5,5cp được quyền mua 1 cp chào bán thêm). Cổ đông không được chuyển nhượng tiền mua.
Kế hoạch chào bán cổ phiếu của PDR cũng cho biết 1.343 tỷ đồng dự kiến có thể thu về từ đợt chào bán này sẽ được doanh nghiệp sử dụng toàn bộ để thực hiện 4 dự án bất động sản, bao gồm: Dự án đầu tư phát triển khu đô thị phân khu 2 và 9 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, tỉnh Bình Định (dự kiến phân bổ 132 tỷ đồng); dự án Khu dân cư kết hợp chỉnh trang đô thị Bắc Hà Thanh (dự kiến phân bổ hơn 511 tỷ đồng); dự án Trung tâm thương mại dịch vụ khách sạn cao cấp (dự kiến phân bổ 400 tỷ đồng); khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 và 2 (dự kiến phân bổ mỗi dự án 150 tỷ đồng, tổng cộng 2 dự án là 300 tỷ đồng).
Đáng chú ý, PDR chỉ là một trong hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã công bố phương án chào bán cho cổ đông hiện hữu trong năm nay. Hàng loạt doanh nghiệp địa ốc gần đây đã hé lộ phương án tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu.
Chẳng hạn, Novaland (mã: NVL) dự kiến sẽ chào bán 1,17 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, tỷ lệ thực quyền mua là 10:6 (cổ đông sở hữu 10 cp có quyền mua 6 cp mới). Thời gian thực hiện dự kiến từ quý II-quý IV/2024. Sau phát hành, vốn điều lệ của NVL dự kiến tăng 19.501 tỷ đồng lên hơn 31.200 tỷ đồng.
Toàn bộ 11.700 tỷ đồng dự kiến thu được sau phát hành sẽ được dùng để thanh toán chi phí lương, khoản phải trả và chi phí vận hành chung của NVL và các công ty con. Trong đó, 1.134 tỷ đồng dự kiến được NVL dùng để chi trả nợ, thanh toán tiền lương và vận hành công ty.
10.566 tỷ đồng còn lại được dùng để góp vốn vào các công ty con bao gồm: 4.070 tỷ góp vốn vào Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận; 2.961 tỷ góp vốn vào Công ty TNHH Đầu tư và BĐS Tường Minh; 1.628 tỷ đồng góp vốn vào CTCP Đầu tư Địa ốc No Va; 1.365 tỷ đồng vào CTCP Địa ốc Ngân Hiệp; 542 tỷ đồng vào Công ty TNHH BĐS Đà Lạt Valley. Tất cả các khoản vốn góp vào công ty con nhằm thanh toán một phần các khoản phải trả và chi phí vận hành chung.
Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp – mã: DIG) cũng đã công bố kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu dự kiến triển khai từ quý II - quý IV năm nay, theo đó sẽ chào bán thêm 200 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cp nhằm huy động về 3.000 tỷ đồng.
Với 3.000 tỷ dự kiến huy động được nếu phát hành thành công, DIC Corp muốn dùng 1.135 tỷ để đầu tư dự án Khu phức hợp Cap Saint Jacques giai đoạn 2 - 3; 965 tỷ đầu tư dự án Vị Thanh; 900 tỷ còn lại để thanh toán trái phiếu (461 tỷ thanh toán lô trái phiếu mã DIGH2124002 - ngày thanh toán 30/9/2024 và 439 tỷ thanh toán lô trái phiếu mã DIGH2124004 - ngày thanh toán 26/11/2024).
Năm nay, cổ đông Nhà Khang Điền cũng đã thông qua kế hoạch chào bán thêm 110,09 triệu cp riêng lẻ cho 20 nhà đầu tư chuyên nghiệp với giá 27.250 đồng/cổ phiếu, mục tiêu huy động 3.000 tỷ đồng.
Với số tiền 3.000 tỷ dự kiến huy động, Nhà Khang Điền muốn dùng 2.700 tỷ để góp vốn vào Công ty TNHH MTV Đầu tư kinh doanh Nhà Khang Phúc để công ty con này thanh toán các khoản nợ ngân hàng, còn lại 300 tỷ để trả nợ vay theo hợp đồng tín dụng số 0116/2021/HĐTD-OCB-DN, giải ngân trong năm 2024 và năm 2025.
Đất Xanh (mã: DXG) năm nay cũng dự kiến huy động 3.500 tỷ từ phát hành 244 triệu cổ phiếu, trong đó bao gồm 150 triệu cp chào bán cho cổ đông hiện hữu, với giá chào bán tối thiểu là 12.000 đồng/cp, thu về 1.800 tỷ đồng và 93,4 triệu cp cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá tối thiểu 18.600 đồng/cp, thu về 1.700 tỷ đồng.
Với số tiền 1.800 tỷ đồng dự kiến huy động từ cổ đông hiện hữu; Đất Xanh muốn dùng 443 tỷ đồng để thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn (221 tỷ) và bổ sung vốn lưu động (222 tỷ). Còn lại gần 1.359 tỷ đồng dự kiến sẽ dùng góp vốn vào công ty con - CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An, nhằm: Thanh toán một phần nợ cả gốc và lãi tại CTCP Hội An Invest (762 tỷ), thanh toán nợ tại Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Hà Thuận Hùng (597 tỷ).
Với số tiền 1.700 tỷ đồng dự kiến huy động từ NĐT chuyên nghiệp, DXG cũng dự kiến sẽ dùng toàn bộ để góp vốn bổ sung, tăng sở hữu tại các công ty con.
Bamboo Capital (mã: BCG), một tập đoàn lớn có BĐS là một trong hai mảng kinh doanh quan trọng, cũng lên kế hoạch phát hành gần 267 triệu cp với giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu, ngày đăng ký cuối cùng là 13/5. Số tiền thu về ước tính hơn 2.667 tỷ đồng dự kiến được BCG dùng để năng lực về vốn, bổ sung nguồn vốn nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, đồng thời cơ cấu lại tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu.
Một doanh nghiệp khác là CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco - mã: HDC) gần đây cũng thông báo sẽ tiếp tục kế hoạch chào bán 20 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu thông qua việc thực hiện quyền mua, với tỷ lệ 1.000:148 (cổ đông sở hữu 1.000 cp được mua thêm 148 cp mới) và giá chào bán 15.000 đồng/cp. Thời gian nhận đăng ký và nhận tiền mua cổ phiếu sẽ từ ngày 10/5 - 5/6/2024.
Với 20 triệu cổ phiếu dự kiến chào bán, Hodeco có thể thu về khoảng 300 tỷ đồng. Doanh nghiệp muốn sử dụng toàn bộ số tiền này để thanh toán gốc và lãi 8 hợp đồng tín dụng (thực hiện trong quý I - III/2024). Theo đó, Hodeco dự kiến trả 75 tỷ đồng cho ngân hàng BIDV, 91 tỷ đồng cho PGBank, 54 tỷ đồng cho TPBank và 80 tỷ đồng cho Vietcombank.
Hàng loạt kế hoạch tăng vốn từ chào bán cổ phiếu được các doanh nghiệp BĐS đưa ra trong bối cảnh các kênh dẫn vốn khác, đặc biệt là trái phiếu, vẫn còn chưa thông. Chỉ thống kê sơ bộ một số doanh nghiệp BĐS đã hé lộ phương án phát hành thêm cổ phiếu trong năm nay, ước tính giá trị huy động dự kiến từ phát hành cổ phiếu đã lên đến xấp xỉ 25.000 tỷ đồng. Trong khi đó, áp lực nợ của nhóm này năm nay được đánh giá là nặng gánh.
Áp lực thanh toán đè nặng, huy động vốn thông qua tăng vốn chủ sở hữu là một trong những 'lựa chọn thích hợp'
Một báo cáo hồi cuối tháng 4 của Chứng khoán MB (MBS) nhấn mạnh rằng áp lực thanh toán vẫn đè nặng lên các doanh nghiệp bất động sản khi thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, các khó khăn, vướng mắc về pháp lý và trong triển khai thực hiện dự án chưa được tháo gỡ, các doanh nghiệp cần thời gian để cân đối lại dòng tiền hoạt động trong khi khả năng trả nợ của các doanh nghiệp vẫn đang ở mức yếu. Chỉ riêng kênh trái phiếu, thống kê của FiinGroup cho hay giá trị trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp BĐS năm nay ước tính khoảng 100 nghìn tỷ, chiếm gần một nửa trái phiếu đáo hạn năm nay.
Thực tế kế hoạch chào bán của các doanh nghiệp BĐS đã công bố đến nay đều cho thấy phần lớn số vốn dự kiến huy động được dùng để thực hiện dự án, chi trả lương, chi phí nợ và chi phí vận hành, góp vốn công ty con để thực hiện dự án, góp vốn công ty con để trả nợ và chi phí vận hành…
Một báo cáo của Chứng khoán SSI hồi tháng 2/2024 nhận định trong bối cảnh thị trường trái phiếu chững lại vào năm 2023 do các nhà đầu tư bán lẻ lo ngại về các vấn đề phát sinh đối với trái phiếu khi một số tổ chức phát hành đã sử dụng tiền thu được từ trái phiếu không đúng mục đích trong năm 2022, các chủ đầu tư đã hạn chế sử dụng trái phiếu phát hành.
Theo nhóm phân tích SSI, “vay vốn ngân hàng hoặc bán tài sản để tái cấp vốn cho các dự án, huy động vốn thông qua tăng vốn chủ sở hữu là những lựa chọn thích hợp của các chủ đầu tư trong bối cảnh thị trường hiện tại”.
Theo dữ liệu từ FiinProX, tính đến ngày 5/5/2024, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp đã công bố BCTC quý I ghi nhận mức tăng 21,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đi ngược lại xu hướng tăng của phần lớn các ngành, nhóm BĐS dẫn đầu đà giảm với mức giảm lợi nhuận lên tới 71%.