Bamboo Airways sẽ nâng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng

Tân Thanh 15:59 | 09/05/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
ĐHĐCĐ Bamboo Airways đã thông qua phương án phát hành thêm 1,15 tỷ cổ phần để hoán đổi nợ và phát hành cho cổ đông mới, nâng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng.

  

Sáng 9/5, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần hai để thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ. Theo báo cáo của Hội đồng quản trị (HĐQT) tại đại hội, Bamboo Airways hiện có 1.795 cổ đông, trong đó tham dự ĐHĐCĐ ngày 9/5 là 70 cổ đông, đại diện 1.735 triệu cổ phần tương ứng 93,8% cổ phần.

Tại đại hội, HĐQT đã thảo luận hai tờ trình, một là tờ tình của HĐQT với nội dung giống như đại hội cổ đông bất thường lần 1 ngày 10/4 và hai là kiến nghị của cổ đông Lê Thái Sâm.

Theo đó, tại tờ trình của HĐQT, phương án phát hành vẫn như cũ là phát hành 772 triệu cổ phần để hoán đổi các khoản nợ thành cổ phần theo thỏa thuận giữa công ty hàng không này với chủ nợ. Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cổ phần, tương đương tỷ lệ hoán đổi 1:1, nghĩa là 10.000 đồng nợ hoán đổi được một cổ phần phát hành thêm.

Bên cạnh đó, Bamboo Airways cũng lên kế hoạch phát hành 185 triệu cổ phần cho nhà đầu tư mới. Đại hội cổ đông dự kiến sẽ ủy quyền cho HĐQT chủ động tìm kiếm, quyết định các tiêu chí lựa chọn và thông qua danh sách nhà đầu tư tham gia mua cổ phần riêng lẻ và số lượng cổ phần chào bán cho từng nhà đầu tư. Giá phát hành dự kiến cho nhà đầu tư mới cũng là 10.000 đồng/cổ phần.

 

 Đại hội cổ đông bất thường của Bamboo Airways được tổ chức sáng 5/9. Ảnh Vi Di.

Đối với kiến nghị của ông Lê Thái Sâm, giá cổ phần và phương án phát hành tương tự như tờ trình của HĐQT, song đối tượng phát hành là các cổ đông hiện hữu thoả mãn các điều kiện là chủ nợ hoặc cổ đông chiến lược chứ không thực hiện chào bán cổ phần cho toàn bộ cổ đông hiện hữu mà chỉ phát hành cho một nhóm đối tượng là chủ nợ hoặc nhà đầu tư chiến lược.

Cụ thể, trường hợp hoán đổi nợ thành cổ phần, phải có hợp đồng ký cho vay tiền và không có tài sản đảm bảo, số tiền trên 1.000 tỷ đồng.

Trường hợp nhà đầu tư chiến lược phải là các tổ chức/cá nhân có tiềm lực tài chính hoặc kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh của công ty mà HĐQT xét thấy đóng góp vào hoạt động kinh doanh hoặc mang lại lợi ích cho công ty hoặc có thể hỗ trợ công ty trong quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro tiên tiến, phát triển sản phẩm dịch vụ và sau khi mua cổ phiếu và trở thành cổ đông sở hữu từ 5% trở lên vốn điều lệ của công ty.

Số cổ phần sau phát hành là 30.000 tỷ đồng, cao hơn so với phương án mà HĐQT đưa ra. Trong đó, số hoán nợ vẫn là 7.720 triệu cổ phiếu, tương ứng 7.720 tỷ đồng, còn số phát hành cho cổ đông là chủ nợ hoặc nhà đầu tư chiến lược là 378 triệu cổ phần, tương ứng 3.780 tỷ đồng, để lấy nguồn tiền kinh doanh cho Bamboo Airways.

Theo kết quả biểu quyết tại đại hội, với phương án 1 (tờ trình của HĐQT) có 10,4 triệu cổ phần có quyền biểu quyết tương đương 0,6% cổ phần thông qua.

Với phương án 2 (văn bản kiến nghị của ông Lê Thái Sâm), có 1.721 triệu cổ phần có quyền biểu quyết thông qua phương án phát hành cổ phần riêng lẻ, tương ứng 99,1% cổ phần, không có cổ đông không tán thành thông qua phương án phát hành.

Như vậy, ĐHĐCĐ bất thường của Bamboo Airways đã thông qua phương án phát hành theo đề xuất của ông Lê Thái Sâm.

Trước đó, ngày 8/5, Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC đã thông qua toàn văn dự thảo hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng 400 triệu cổ phần của CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways – BAV) mà Tập đoàn FLC đang sở hữu cho ông Lê Thái Sâm – Thành viên Hội đồng quản trị của FLC, đổi lại là thanh lý toàn bộ nợ. Theo báo cáo tài chính quý 3/2022 của FLC, Công ty đang nợ ông Lê Thái Sâm 621 tỷ đồng.

FLC Group đang đầu tư 4.015 tỷ đồng, tương ứng 21,7% vốn của Bamboo Airways. Đến cuối năm 2022, FLC ước tính đã trích lập dự phòng tổn thất 3.642 tỷ đồng cho khoản đầu tư này, tương đương với việc Bamboo Airways có số lỗ lũy kế gần 16.783 tỷ đồng.

Đi cùng với việc chuyển nhượng, ông Lê Thái Sâm sẽ tài trợ không hoàn lại cho FLC một khoản tiền để FLC thực hiện các nghĩa vụ tài chính đến hạn và/hoặc giải chấp các tài sản thuộc sở hữu của FLC đang được cầm cố, thế chấp.