Bán lẻ điện thoại & điện máy sẽ phục hồi bao nhiêu % trong năm 2024?

Trang Mai 17:34 | 22/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Được dự báo hồi phục khi chi tiêu của người dân không còn thắt chặt, các ngành tiêu dùng không thiết yếu như điện máy và trang sức có thể sẽ hồi ngay trong nửa đầu năm 2024.

Ngành bán lẻ sẽ tăng trưởng trong năm 2024?

Năm 2023, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội. Theo báo cáo của PwC về thói quen tiêu dùng tại Việt Nam năm 2023, có đến 62% người dùng lựa chọn cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết, con số này lần lượt là 72% tại Đông Nam Á và 69% trên toàn cầu.

Bước sang năm 2024, các chuyên gia kinh tế đánh giá môi trường kinh tế vĩ mô sẽ vẫn còn thách thức, tuy nhiên sẽ phần nào giảm bớt so với năm 2023. Cùng đó, lãi suất đã giảm đáng kể giúp làm giảm áp lực trả nợ vay mua nhà, tăng thu nhập khả dụng và gián tiếp hỗ trợ tiêu dùng. 

Trong báo cáo ngành bán lẻ, Chứng khoán Dầu khí (PSI) dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo tăng trưởng 12,05% trong giai đoạn 2023 - 2027, nhờ các yếu tố tích cực về dân cư, thu nhập, mức độ thâm nhập của Internet và các thiết bị thông minh. “Miếng bánh” bán lẻ được dự báo có giá trị lên tới 163,5 tỷ USD vào năm 2027, với những ngành hàng nổi bật là tiêu dùng, thiết bị điện tử, công nghệ và trang sức.

Cùng quan điểm, trong báo cáo chiến lược năm 2024, MBS cũng kỳ vọng dẫn đầu đà tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường trong năm 2024 là bán lẻ với tăng trưởng 129%. 

Tại phân tích triển vọng ngành công bố mới đây, SSI Research nhận định tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ dự kiến sẽ tăng mạnh trong nửa đầu năm 2024 (tăng 140% trong nửa đầu năm 2024 so với mức tăng 118% trong cả năm 2024) nhưng dự kiến sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2024. 

Sự dự báo phục hồi được tác động bởi những yếu tố như lãi suất đã giảm đáng kể, dự báo xuất khẩu phục hồi và việc phục hồi tín dụng từ các công ty tài chính tiêu dùng. 

Bán lẻ điện thoại & điện máy được dự báo đi lên sau cuộc cạnh tranh gay gắt về giá

Ngành bán lẻ thiết bị công nghệ được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất trong nền kinh tế khó khăn năm 2023. 

Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, lượng smartphone được bán ra trên toàn cầu trong giai đoạn quý III/2023 đã giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh số của cả 5 thương hiệu đứng đầu thị trường đều sụt giảm.

Từ đầu năm 2023, cuộc chiến giá bán giữa các đại lý đã diễn ra một cách khốc liệt. Các đại lý phải liên tục đưa ra chương trình ưu đãi để thu hút khách hàng. Điều này vô tình đã đẩy cuộc chiến về giá diễn ra một cách gay gắt hơn, khiến biên lợi nhuận các nhà bán lẻ bị thu hẹp trong năm 2023. 

Công ty VNDirect đánh giá, dù khởi động cuộc chiến về giá, thế nhưng kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2023 cho thấy sự sụt giảm doanh thu của mảng điện thoại di động và điện máy của MWG chỉ tương tự mức suy giảm chung của thị trường. Chẳng hạn, thị trường điện thoại di động ở Việt Nam chứng kiến mức giảm 23% so với cùng kỳ trong 9 tháng 2023 (theo dữ liệu của Gfk) cho thấy bước đầu, MWG không đạt được kết quả gì nổi bật khi khởi động cuộc chiến này.

Tại Hội nghị nhà đầu tư tháng 11/2023, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động cho biết, doanh nghiệp sẽ tiếp tục cuộc chiến giá, tuy nhiên sẽ có điều chỉnh phù hợp theo từng thời kỳ dựa trên những phân tích về sức mua của người tiêu dùng nhằm cân đối hợp lý giữa lợi nhuận nhưng vẫn giữ được thị phần.

Đồng thời, Thế giới Di động sẽ theo đuổi mục tiêu lợi nhuận gộp tuyệt đối thay vì biên lợi nhuận, do đó biên lợi nhuận gộp sẽ thấp hơn trước đây về mặt tỷ lệ nhưng về giá trị lợi nhuận sẽ cải thiện.

Chia sẻ với báo chí, ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc cấp cao khách hàng doanh nghiệp và trải nghiệm khách hàng FPT Retail cho rằng, cuộc chiến giá rẻ về dài hạn sẽ là trò chơi Lose - Lose (cùng thua) của các bên tham gia. Lãnh đạo FPT Retail nhận định "giá" là yếu tố rất quan trọng trong kinh doanh. Người dùng luôn muốn mua sản phẩm với mức giá tốt, nhưng về phía nhà bán, càng giảm sâu sẽ càng "ăn" vào lợi nhuận - nguồn kinh phí dành cho các khoản đầu tư, tái đầu tư dịch vụ trước, trong và sau bán hàng.

Bước sang năm 2024, các chuyên gia kinh tế đánh giá môi trường kinh tế vĩ mô sẽ vẫn còn thách thức, tuy nhiên sẽ phần nào giảm bớt so với năm 2023. Cùng đó, lãi suất đã giảm đáng kể giúp làm giảm áp lực trả nợ vay mua nhà, tăng thu nhập khả dụng và gián tiếp hỗ trợ tiêu dùng. 

 

SSI kỳ vọng doanh thu của doanh nghiệp bán lẻ điện thoại & điện máy sẽ phục hồi 5% so với cùng kỳ trong năm 2024, sau khi giảm mạnh khoảng 20%-25% trong năm 2023.

Trong khi đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ trang sức đã cải thiện trong năm 2023 so với năm 2022. Vì trang sức vàng được coi là phương tiện lưu trữ giá trị và giá vàng đã tăng 13% so với đầu năm, áp lực giảm hàng tồn kho đối với các doanh nghiệp bán lẻ trang sức thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp bán lẻ điện thoại & điện máy. 

Việc thay đổi cơ cấu sản phẩm là một trong những lý do giúp bù đắp tác động của việc giảm giá đến biên lợi nhuận. Khi thu nhập của người tiêu dùng có phần hạn chế, họ có xu hướng mua đồ trang sức bằng vàng có giá trị thấp hơn. Đối với PNJ, những mặt hàng có giá trị thấp hơn này thường tạo ra biên lợi nhuận gộp cao hơn.

 

 

Chia sẻ với TTXVN về xu hướng nhu cầu vàng trên toàn cầu và ảnh hưởng của các xu hướng này đến thị trường vàng trong nước những tháng cuối năm,ông Shaokai Fan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới đánh giá: "Một số thị trường trang sức vàng rất nhạy cảm đối với biến động giá trong tình hình giá vàng tăng cao. Điển hình như thị trường trang sức vàng tại Ấn Độ, gần đây đã gặp khó khăn do tăng giá vàng. Tuy nhiên, ở những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng như Việt Nam, triển vọng của thị trường trang sức vàng vẫn rất sáng sủa.

Trang sức vàng không chỉ là phụ kiện làm đẹp, mà còn có vai trò bảo toàn giá trị tài sản xuyên suốt lịch sử tại Việt Nam. Hiện Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế năng động với tiềm năng phát triển mạnh mẽ và tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và tăng trưởng thu nhập tại Việt Nam sẽ tạo đà cho việc mua sắm trang sức vàng nói chung và tạo cơ hội cho ngành chế tác vàng nói riêng".