Bao giờ FED ngừng tăng lãi suất: Cuộc tranh cãi nảy lửa giữa phe 'diều hâu' - phe 'bồ câu' và ẩn số mang tên Powell

Diên Vỹ 18:11 | 14/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Những luồng quan điểm chia rẽ về việc lạm phát liệu có tiếp tục dai dẳng và phải đối phó ra sao với nó đang làm khó ông Powell khi đưa ra định hướng chính sách lãi suất trong giai đoạn tiếp theo. Bởi thật khó để trả lời hai câu hỏi: cần nâng lãi suất lên mức nào và giữ mặt bằng lãi suất đó trong bao lâu để kiểm soát lạm phát về mức mục tiêu mà không gây ra suy thoái.

 

Trong 9 tháng qua, kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thay đổi giọng điệu và ngừng dùng từ “nhất thời” để nói về lạm phát, Chủ tịch FED Jerome Powell đã dẫn đầu một chiến dịch tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong hơn 40 năm. Những mức tăng lãi suất dốc đứng đưa mặt bằng lãi suất cơ bản của Mỹ từ mức tiệm cận 0 hiện lên tới 3,75-4%.

Kể từ quý I/2022 đến nay, FED cùng các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đã thực hiện những bước tăng lãi suất mạnh mẽ trong nỗ lực kiểm soát lạm phát. Ảnh: FT

Mức tăng lãi suất dồn dập của FED với bước tăng 0,75 điểm phần trăm 4 lần liên tiếp trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối diện nhiều thách thức nhanh chóng gây ra một cơn sốt trên cả thị trường chứng khoán và thị trường nhà đất, khi nhà đầu tư quan ngại FED không thể có một cú hạ cánh mềm và nguy cơ suy thoái là hiện hữu.

Nhưng ở thời điểm đó, toàn bộ quan chức FED nhất trí rằng động thái tăng mạnh lãi suất như vậy là cần thiết trong bối cảnh lạm phát dai dẳng quanh mức cao nhất 40 năm. Còn bây giờ, khi lạm phát được kỳ vọng đã đạt đỉnh và dần hạ nhiệt, quan điểm của nội bộ FED đang chia rẽ về việc họ nên điều hành lãi suất nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung ra sao.

Lãi suất tham chiếu có ảnh hưởng đến mặt bằng chi phí vốn trong toàn bộ nền kinh tế, bao gồm lãi suất thế chấp, lãi suất thẻ tín dụng… Tuy nhiên tác động của việc FED tăng lãi suất tham chiếu thường có độ trễ dài, do đó các chuyên gia lo ngại ngân hàng trung ương trong nhiều trường hợp khó phán đoán chính xác liệu trong vòng một năm qua họ đã thắt chặt quá mức cần thiết hay chưa đủ.

Phe diều hâu và phe bồ câu tranh luận, đường đi của lãi suất không chắc chắn

Trung tâm của những bất đồng nằm ở ước đoán khác nhau về đường đi của lạm phát và áp lực tiền lương. Trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - một trong những thước đo lạm phát ưa thích của FED - tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021. 

 Chỉ số PCE lõi của Mỹ tháng 10/2022 đã giảm về 6%. Ảnh: Trading Economics

Với những người theo trường phái “bồ câu” ôn hòa hơn, họ cho rằng lạm phát đang có chiều hướng giảm dần, do đó muốn giảm dần mức tăng lãi suất và sớm tiến tới duy trì mặt bằng lãi suất ổn định để bảo vệ thị trường việc làm. Nhóm này lập luận rằng lạm phát cao trong thời gian qua phản ánh những diễn biến bất ngờ như đại dịch và chiến sự ở Ukraine, khi những cú sốc này đi qua, tác động của việc FED tăng lãi suất mạnh mẽ sẽ làm suy yếu đáng kể nền kinh tế. Họ lo ngại rằng ngân hàng trung ương có thể đang tăng lãi suất cao hơn mức cần thiết để giảm lạm phát và gây ra suy thoái kinh tế sâu không cần thiết. 

Ngược lại, ở trường phái “diều hâu”, nhóm này sẵn sàng tiếp tục theo đuổi các biện pháp cứng rắn để chống lạm phát. Bản thân nhóm này cũng nhận thấy lạm phát đang dần chậm lại, nhưng họ cho rằng nếu thị trường lao động không bớt nóng, áp lực giá vẫn sẽ dai dẳng vì người lao động có thể được tăng lương nhiều hơn, dẫn đến tiền lương và giá cả không ngừng leo thang.

Tiêu biểu cho quan điểm này, Chủ tịch FED chi nhánh Kansas Esther George cho rằng FED khó có thể kiểm soát lạm phát mà không gây suy thoái, bởi thị trường lao động của Mỹ hiện đang mạnh đến mức “tôi không biết làm thế nào để giảm lạm phát nếu không làm suy yếu một số hoạt động kinh tế. Có thể chúng ta buộc phải thu hẹp nền kinh tế để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát”.

Tháng trước, Chủ tịch FED Powell cũng cho biết mức tăng trưởng tiền lương đang ở khoảng 1,5-2 điểm % là quá cao. Ông nói: “Chúng tôi muốn tiền lương tăng, nhưng mức tăng lương phải phù hợp với mức lạm phát mục tiêu 2%”.

Những người trong nhóm “diều hâu” cũng lo ngại FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất quá sớm một khi thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, vì động thái như vậy có thể đưa ngân hàng trung ương vào một vòng lặp thắt chặt tiền tệ liên tục như những năm 1970. Các nhà kinh tế coi đó là một lỗi chính sách tai hại của Chủ tịch FED lúc bấy giờ là ông Arthur Burns. Mãi đến đầu những năm 1980, Chủ tịch FED lúc đó là Paul Volcker đã tăng mạnh lãi suất, qua đó hạ nhiệt lạm phát. Tuy nhiên, động thái này đã làm tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên tới 10,8% vào năm 1982, mức kỷ lục kể từ Đại suy thoái.

Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari nhận định kinh nghiệm của cựu Chủ tịch FED Volcker cho thấy khi nền kinh tế rơi vào suy thoái do chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát gây ra, thì sự phục hồi sau đó có thể rất nhanh chóng.

Nhìn chung, những luồng quan điểm chia rẽ đang làm khó ông Powell trong việc đưa ra một định hướng chính sách lãi suất trong giai đoạn tiếp theo. Thật khó để trả lời hai câu hỏi: cần nâng lãi suất lên mức nào và giữ mặt bằng lãi suất đó trong bao lâu để kiểm soát lạm phát về mức mục tiêu mà không gây ra suy thoái.

Tâm điểm thị trường là Chủ tịch Powell trên ghế nóng 

  Chủ tịch FED Jerome Powell. Ảnh: Reuters

Chủ tịch FED Jerome Powell đã nhiều lần nhấn mạnh ông quan ngại hơn về những rủi ro nếu ngân hàng trung ương không hành động đủ mạnh mẽ để kiểm soát lạm phát. Ông cùng một số quan chức FED hồi tháng 11 đã nhận định rằng một kịch bản còn tồi tệ hơn cả việc ngân hàng trung ương tăng lãi suất quá mức gây suy thoái kinh tế là việc lạm phát tăng trở lại và cơ quan này buộc phải quay lại chu trình tăng lãi suất vào năm 2023.

Nhưng rõ ràng, FED cũng sẽ nỗ lực cân bằng giữa chống lạm phát và duy trì tăng trưởng để tránh những tổn thất cho nền kinh tế. “Chúng tôi đã hành động khá hung hăng (trong cuộc chiến chống lạm phát). Nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực không gây ra những đổ vỡ trong nền kinh tế để rồi phải dọn dẹp đống đổ nát sau đó. Tôi không mong muốn cách tiếp cận như vậy”, ông Powell khẳng định trong một sự kiện hồi tháng 11 ở Washington. 

Ông Powell gợi ý muốn tăng lãi suất chậm hơn nhưng giữ mặt bằng lãi suất ở mức cao (chưa xác định) lâu hơn sau đó và không nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm. Cho những diễn biến trong cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 12 này, vị Chủ tịch FED bỏ ngỏ khả năng ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm. Mức tăng như vậy - dù nhỏ hơn mức tăng 0,75 điểm phần trăm trong 4 cuộc họp gần nhất - nhưng cũng sẽ đưa lãi suất tham chiếu lên vùng 4,25-4,5%, cao nhất trong vòng 15 năm.  

Như vậy hiện tại, các thông tin mà ông Powell gửi đến thị trường cho thấy ý định tiếp tục tăng lãi suất của FED. Thị trường dự báo FED sẽ đưa lãi suất lên mức 5% vào tháng 3/2023. Sau đó, nhiều nhà dự báo kỳ vọng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất theo mức tăng 0,25 điểm % mỗi lần như truyền thống nếu các quan chức ngân hàng trung ương cho rằng lạm phát vẫn dai dẳng.

Ông Vincent Reinhart, nhà kinh tế trưởng tại Dreyfus & Mellon và là cựu nhà kinh tế cấp cao của FED nhận định việc đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng đã được thực hiện trong giai đoạn một của cuộc chiến chống lạm phát. Bây giờ, ở giai đoạn thứ hai, các quan chức FED dự kiến sẽ tăng lãi suất với bước tăng nhỏ hơn. 

Và như vậy, trong giai đoạn thứ ba, mà hầu hết các quan chức FED dự kiến sẽ bắt đầu vào mùa xuân hoặc mùa hè năm sau, ngân hàng trung ương sẽ duy trì lãi suất ở một mức cao chưa xác định cho đến chừng nào lạm phát trên đà giảm xuống mức mục tiêu 2%.

Nhắc lại bài học từ việc điều hành chính sách tiền tệ của cựu Chủ tịch FED Arthur Burns, một người thân cận với Chủ tịch FED Jerome Powell là cựu quan chức ngân hàng trung ương Randal Quarles nhận định với tờ Wall Street Journal rằng ông Powell không phải người sẽ lặp lại những sai lầm như vậy.

Ông Quarles, người từng làm việc tại FED trong giai đoạn 2017-2021 cho hay: “Mọi người thường đánh giá sai lầm rằng Jerome Powell là một nhà ngoại giao tốt có nghĩa anh ấy có xu hướng là một người ôn hòa. Điều này hoàn toàn không đúng. Quan điểm rõ ràng ở đây là ông ấy cam kết thực hiện tất cả những gì được cho là trong chức trách của FED, mà ưu tiên là giảm lạm phát”.