‘Bão’ sắp dừng trên thị trường bất động sản?
Thông tin mới đây từ Bộ Xây dựng cho biết nguồn cung bất động sản sau một thời gian hạn chế đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Mặc dù phục hồi còn chậm nhưng thị trường ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt dự án cũ được tái khởi động và dự án mới mở bán.
Theo đó, trong nửa đầu năm, có 18 dự án nhà ở thương mại hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới. Đối với dự án xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở, có 32 dự án hoàn thành và 16 dự án được cấp phép. Đối với phân khúc nhà ở xã hội, có 8 dự án đã được hoàn thành trong 6 tháng vừa qua.
Về sức mua, thị trường ghi nhận khoảng 253.000 giao dịch thành công, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Xây dựng đánh giá thị trường bất động sản đã có phản ứng tích cực với các tín hiệu như mức độ quan tâm, lượng tìm kiếm thông tin bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư tăng cao.
Theo nhận định của ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam, thị trường địa ốc đã có nhiều chuyển biến tốt. Nguồn cung nhà ở mới tăng trưởng trở lại với nhiều nỗ lực kích cầu.
“Mọi kỳ vọng đang hướng về ngày 1/8/2024, khi các luật mới liên quan bất động sản bắt đầu có hiệu lực. Đây có thể xem là bước tiến lớn của hệ thống pháp luật Việt Nam trong một thập kỷ trở lại đây, mở ra chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản. Hoạt động đầu tư bất động sản thông qua các thương vụ hợp tác, M&A kỳ vọng khởi sắc hơn từ cuối năm 2024 trở đi", ông David Jackson nói.
Cũng theo vị này, các Luật mới liên quan đến bất động sản chính thức có hiệu lực được kỳ vọng tạo cú huých cho thị trường, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý tồn đọng thời gian qua, thúc đẩy các dự án đình trệ được hồi sinh và tăng tốc. Bằng chứng lịch sử cho thấy việc ban hành luật mới trong thời kỳ 2013 - 2014 đã tăng cường đáng kể nguồn cung cấp dự án và các hoạt động giao dịch trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng nguồn cung nhà ở giá phải chăng và nhà ở xã hội sẽ khó tăng nhanh trong vài quý tới do liên quan đến quỹ đất cũng như chi phí đầu tư xây dựng ngày càng cao.
Bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cũng đánh giá nguồn cung phục hồi, giá bán tiếp tục đà tăng và thanh khoản tích cực là các tín hiệu đáng mừng của thị trường bất động sản nhà ở trong nửa đầu năm 2024.
Trong nửa cuối năm 2024, những dấu hiệu phục hồi của kinh tế Việt Nam và nỗ lực đưa các luật sửa đổi mới như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật đất đai sớm đi vào hiệu lực từ tháng 8/2024 sẽ góp phần củng cố tâm lý của nhà đầu tư và khơi thông các vướng mắc về mặt pháp lý. Tuy nhiên các chính sách vẫn luôn có độ trễ nhất định.
Do đó, theo bà Dung, năm 2025 sẽ chứng kiến sự phục hồi rõ nét hơn của thị trường nhà ở, về cả nguồn cung, chất lượng sản phẩm và mức giá bán.
Còn theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội, trong những năm gần đây, nhiều dự án gặp vấn đề pháp lý dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung trên thị trường, đặc biệt là tại khu vực phía Nam.
“Với những sự thay đổi của luật trong thời gian tới, chúng tôi cũng như các chủ đầu tư đều kỳ vọng các vướng mắc liên quan đến vấn đề cấp phép, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất được đẩy nhanh để doanh nghiệp có đủ điều kiện triển khai dự án và bán hàng. Khi có một khung pháp lý tốt hơn, dự báo dòng tiền sẽ tập trung ở những dự án bất động sản nhà ở, phần nào đó có cả dự án bất động sản khu công nghiệp”, bà An nói.
Chuyên gia cho biết thêm, với xu hướng điều chỉnh lãi suất hiện nay, sắp tới người mua nhà sẽ phải cân nhắc về khả năng chi trả. Việc mặt bằng lãi suất điều chỉnh tăng phần nào sẽ tác động đến tâm lý của người mua và chiến lược kinh doanh của chủ đầu tư do các chi phí về huy động vốn. Tùy vào biên độ tăng của lãi suất mà mức tăng giá dự án sắp tới sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp, vì phải dựa trên nhu cầu và khả năng chi trả của người mua.