Bất chấp dịch COVID-19 phức tạp, dư nợ tín dụng của các ngân hàng dự báo sẽ tăng 5,09% trong quý II

17:29 | 01/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Quý II/2021, dư nợ tín dụng của ngân hàng được các tổ chức tín dụng dự báo tăng khoảng 5,09% và tăng 14,7% trong năm 2021.

Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận định: Đà tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm sẽ tiếp tục lan tỏa trong quý II/2021.

Tăng trưởng tín dụng cũng thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh của một số ngân hàng. Quý I/2021, các chỉ số về an toàn và hiệu quả hoạt động của VietinBank đều tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó các hạng mục thu nhập hoạt động chính đều có sự tăng trưởng trên 25% so với cùng kỳ năm 2020, chi phí hoạt động được quản trị hiệu quả, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) duy trì ở mức hợp lý; chất lượng tài sản được quản lý tốt, tỷ lệ nợ xấu được quản lý ở mức dưới 1%.

Bất chấp dịch COVID-19 phức tạp, dư nợ tín dụng của các ngân hàng dự báo sẽ tăng 5,09% trong quý II - ảnh 1

Đại hội đồng cổ đông năm 2021 của VietinBank

Với mức tăng tín dụng quý I//2021 đạt 3,69%, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu hệ thống về tăng trưởng tín dụng. Vietcombank được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng 10,5% năm 2021. Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Ðảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HÐQT) Vietcombank, NHNN giao chỉ tiêu tín dụng cao cho Vietcombank dựa trên nhiều yếu tố: khả năng tăng tín dụng; nguồn vốn chủ yếu rót vào lĩnh vực ưu tiên; nợ xấu thấp; tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) của ngân hàng cũng chỉ ở mức 71% trong khi phần lớn các ngân hàng khác đều hơn 90%. "Với kết quả tăng tín dụng quý I/2021, nếu NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, Vietcombank có thể tăng tín dụng 14% trong năm 2021 này", ông Nghiêm Xuân Thành cho biết.

Theo công bố mới nhất của Techcombank, quý I/2021 lợi nhuận ngân hàng trước thuế đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, tăng 76,8% so với năm cùng kỳ năm trước, tiếp tục khẳng định vị thế cao với tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản 12 tháng đạt 3,5%.

“Kết quả kinh doanh của Techcombank quý I/2021 nối tiếp đà tăng trưởng của ngân hàng, đặc biệt từ quý 4/2020. Năm 2021, ưu tiên của chúng tôi sẽ đẩy mạnh đầu tư, xây dựng năng lực nền tảng dữ liệu, số hóa và nhân tài và xây dựng kế hoạch dự phòng bao gồm các kịch bản xấu hơn liên quan đến đại dịch COVID-19”, Tổng Giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner cho biết.

Mặc dù có thể mất một thời gian để thấy được rõ hơn kết quả những khoản đầu tư trên nhưng lãnh đạo Techcombank đã ghi nhận triển vọng khả quan đối với một số lĩnh vực kinh doanh như: Bancassurance (phân phối bảo hiểm độc quyền qua kênh ngân hàng) khi sự đầu tư vào dữ liệu, số hóa và con người đã giúp tăng doanh thu khai thác mới (APE) trong quý I/2021 lên hơn 80,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại hội đồng cổ đông LienVietPostBank vừa thông qua chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 dự kiến đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2020; phương án tăng vốn điều lệ lên 15.700 tỷ đồng, chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 12%.

“Trong bối cảnh COVID-19 kéo dài, dịch vụ số LienViet24h được xem là mô hình phù hợp. Năm 2021, chúng tôi đặt kế hoạch có thêm 1 triệu khách hàng và đến năm 2025 có khoảng 5 triệu khách hàng dùng LienViet24h. Nền tảng về tài sản, mạng lưới, con người, công nghệ và dịch vụ… tất cả đã sẵn sàng cho định hướng nằm trong nhóm ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam của LienVietPostBank”, ông Phạm Doãn Sơn, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Tổng Giám đốc LienVietPostBank chia sẻ.

Theo ABBank, lợi nhuận trước thuế năm nay dự kiến đạt 1.973 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2020. Để đạt mục tiêu này, ABBank sẽ tập trung số hóa ngân hàng. ABBank cũng đầu tư phát triển sản phẩm chuyên biệt, hướng tới khai thác sâu các cộng đồng khách hàng sử dụng dịch vụ liên quan đến bảo lãnh, thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ, bảo hiểm, trái phiếu, các khách hàng truyền thống trong ngành điện...

Còn tại NCB, ngân hàng đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 95.000 tỷ đồng năm 2021, tăng 5,5% so với cuối năm 2020; tăng trưởng tín dụng tùy theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cho phép theo chính sách điều hành từng thời kỳ; huy động từ khách hàng đạt 80.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các chỉ số liên quan tới hoạt động an toàn và lành mạnh như tỷ lệ nợ xấu, hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn) vẫn được NCB cải thiện, cam kết đảm bảo tuân thủ yêu cầu của NHNN.

Thời gian tới, NCB tiếp tục đầu tư trọng điểm cho các dự án chuyển đổi số, nhằm tăng cường số hóa các sản phẩm bán lẻ, hỗ trợ khách hàng thực hiện giao dịch an toàn và miễn phí. Ngân hàng sẽ nâng cấp hạ tầng công nghệ, corebanking, NCB iziMobile, e-KYC, InternetBanking; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các hệ thống Core thẻ mới và đưa vào Golive hệ thống thẻ tín dụng Quốc tế, Open API…

Chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Các ngân hàng ngày càng nhận thức rõ rệt hơn về việc tăng thu từ dịch vụ là xu hướng chung, giảm thiểu tối đa rủi ro từ hoạt động tín dụng. Thực tế, tỷ lệ thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng Việt Nam đều có xu hướng tăng qua các năm: Năm 2018 là 9,3%; năm 2019 là 10,31% và hết tháng 12/2020 là 11,05%.

“Nhu cầu của khách hàng sẽ ngày càng tăng nên các ngân hàng phải không ngừng cải tiến, phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ, các kênh phân phối, chú trọng đặc biệt tới các kênh phân phối dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Thông tin của Ngân hàng Nhà nước cho thấy: Dòng tín dụng chủ yếu đang tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, chẳng hạn tăng trưởng tín dụng nông lâm thuỷ sản đạt 2,42%; công nghiệp 3,04%... Tín dụng vào chứng khoán trong quý I/2021 đạt 45.300 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020; tín dụng vào bất động sản đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3%.

Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, các tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tính đến cuối tháng 3/2021 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 353 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 660 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3 triệu tỷ đồng cho trên 452 nghìn khách hàng.

Theo TS Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, hiện nay NHNN vẫn điều hành chính sách tín dụng dựa trên tổng mức tăng tín dụng, nhưng linh hoạt trước các diễn biến, cố gắng vừa góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế nhưng cũng phải khéo léo để không gây "vỡ trận" về vĩ mô.

“Tốc độ tăng trưởng tín dụng những năm gần đây chậm hơn, song mức tăng trưởng không thấp so với những năm trước. Quy mô dư nợ tín dụng/GDP ngày càng lớn (hiện khoảng 140%) nên việc kiểm soát tín dụng tăng ở mức 12% năm 2021 là hợp lý. Nếu sự phục hồi của nền kinh tế tốt, tín dụng toàn nền kinh tế có thể tăng từ 11 - 13% năm nay và kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh hơn từ quý II", TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV dự báo.

T.T

Xem thêm: Phân loại 17 ngân hàng và tổ chức tín dụng có tầm quan trọng năm 2021