Bất động sản công nghiệp miền Bắc nhộn nhịp khách Trung Quốc hỏi thuê
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2024 đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó ghi nhận 966 dự án đăng ký cấp mới với tổng số vốn 7,11 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 73,2% về số vốn đăng ký. Còn lại là vốn tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về số vốn đăng ký cấp phép đầu tư mới (gần 5 tỷ USD, chiếm 70,2% tổng vốn đăng ký cấp mới); đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản (1,6 tỷ USD, chiếm 22,5%); các ngành còn lại đạt 519,6 triệu USD, chiếm 7,3%.
Singapore là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024 với tổng số vốn 2,59 tỷ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan) với 2,15 tỷ USD (bao gồm 898,6 triệu USD từ Hong Kong, 740,2 triệu USD từ Trung Quốc đại lục và 512,3 triệu USD từ Đài Loan). Nhật Bản xếp vị trí thứ ba với 814,1 triệu USD, chiếm 11,4%.
Đáng chú ý, cơ cấu FDI đầu tư mới vào Việt Nam đang chứng kiến những biến động mạnh mẽ khi lượng vốn từ các doanh nghiệp Trung Quốc đổ vào liên tục tăng, hiện chiếm tới 29% vốn đăng ký mới vào Việt Nam tính đến thời điểm cuối quý I/2024, tăng từ mức chỉ xấp xỉ 20% của vài năm về trước.
Trước đó trong năm 2023, theo thống kê của CBRE, tỷ trọng nhóm khách hàng hỏi thuê đất KCN tới từ Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan) cũng có xu hướng gia tăng mạnh, đặc biệt tại thị trường miền Bắc với tỷ lệ đạt 47%, tăng mạnh 32 điểm % so với cùng kỳ. Những doanh nghiệp/ tập đoàn lớn dẫn đầu trong làn sóng dịch chuyển này có thể kể đến như Apple, Inventec, Dell,… hầu hết tập trung ở lĩnh vực công nghệ, sản xuất linh kiện điện tử, chất bán dẫn…
Dòng vốn FDI từ Trung Quốc rót vào Việt Nam trong những tháng gần đây không chỉ tăng mạnh, mà còn nhiều dấu hiệu tích cực về quy mô cũng như chất lượng dự án. 3/5 dự án FDI lớn nhất vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đến từ Trung Quốc, bao gồm 454,4 triệu USD đầu tư từ Trina Solar – tập đoàn lớn trong lĩnh vực pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc; 274,8 triệu USD đầu tư vào Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện của Gokin Solar (Hong Kong, Trung Quốc) và 275 triệu USD đầu tư vào Dự án nhà máy thiết bị điện tử của BOE (Trung Quốc).
Về lĩnh vực đầu tư, theo dõi xu hướng đầu tư gần đây, rõ ràng các dự án FDI Trung Quốc vào Việt Nam đang hướng nhiều hơn đến ngành công nghệ cao, vật liệu bán dẫn, sản phẩm dùng cho chuyển đổi xanh, năng lượng sạch…
GS.TSKH Nguyễn Mại nhận định với Doanh nhân Việt Nam về xu hướng tăng cường đầu tư từ Trung Quốc: “Ngày trước, khi nhắc đến FDI Trung Quốc, nhiều địa phương thường lo ngại nhiều vấn đề như công nghệ lỗi thời, ô nhiễm môi trường. Nhưng giờ đã khác. Nhiều công nghệ của FDI Trung Quốc hiện đại không thua kém thế giới, điển hình như các dự án sản xuất pin mặt trời lớn mà Trung Quốc đầu tư ở Việt Nam”.
Theo GS Mại, quan ngại về việc doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam để “né thuế”, gian lận nguồn gốc trong bối cảnh thương chiến Mỹ Trung không hạ nhiệt là có. Không loại trừ khả năng FDI Trung Quốc đầu tư vào để lấy xuất xứ từ Việt Nam, tận dụng những FTA Việt Nam cam kết để hưởng lợi thuế khi xuất ra nước ngoài, tránh lệnh áp thuế từ Mỹ. Để phản ứng với nguy cơ này, GS. Mại cho rằng các địa phương cần phải thu hút FDI có chọn lọc, hướng tới các dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao và công nghệ hiện đại, tiên tiến. Đồng thời, cần đặt ra những hàng rào để ưu tiên công nghệ tốt trong thu hút FDI.
“Không nên để nhà đầu tư tìm đến Việt Nam với mục tiêu tận dụng thị trường lao động giá rẻ, chi phí dịch vụ tiện ích thấp. Đặc biệt, không nên để Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm phân tán rủi ro trong căng thẳng thương mại”, GS. Mại nhấn mạnh.
Đồng tình với GS. Mại, TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP HCM - cũng cho rằng nguy cơ doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam để gian lận nguồn gốc xuất xứ, tránh thuế quan của Mỹ là hoàn toàn hiện hữu. Tuy nhiên với vị thế của Việt Nam hiện nay, các địa phương hoàn toàn có thể lựa chọn nhận dự án FDI nào dựa trên những tiêu chí thẩm định về môi trường, về công nghệ, về tác động… để đưa vào những dự án có lợi cho tăng trưởng kinh tế và tầm nhìn dài hạn.