Vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào BĐS, nhiều địa phương 'dọn ổ đón đại bàng'
Vốn FDI đổ mạnh vào bất động sản từ đầu năm
Thông tin từ Tổng cục thống kê mới đây cho biết, tổng vốn FDI tính đến hết ngày 20/4 đăng ký vào Việt Nam, gồm vốn đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực đứng vị trí thứ hai trong thu hút dòng vốn FDI, với hơn 1,6 tỷ USD (đứng đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt gần 5 tỷ USD). Như vậy, so với cùng kỳ năm 2023, vốn FDI đổ vào bất động sản đã tăng hơn 4 lần.
Cũng theo báo cáo này, giá trị vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm nay cũng ước đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 607,6 triệu USD.
Theo giới chuyên gia, dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản chứng tỏ, bất động sản vẫn là thị trường tiềm năng, có cơ hội phát triển lớn.
Tại buổi báo cáo thị trường bất động sản quý I/2024 mới đây, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc Cấp cao chi nhánh Hà Nội của CBRE Việt Nam nhận định, bất động sản công nghiệp vẫn đang giữ vững vị thế là phân khúc "sống khoẻ" của thị trường bất động sản.
Trong đó, với thị trường đất công nghiệp, giá thuê đất và tỷ lệ lấp đầy đều ghi nhận xu hướng đi lên. Cụ thể, giá đất công nghiệp tại các thị trường cấp 1 miền Bắc tăng nhẹ 1,2% so với quý trước và 7,8% so với cùng kỳ, đạt ngưỡng trung bình 133 USD/m2/kỳ hạn còn lại.
Ở miền Nam, giá đất công nghiệp tại các thị trường cấp 1 giữ mức 189 USD/m2/kỳ hạn còn lại, ổn định so với quý trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về tỷ lệ lấp đầy, do quỹ đất công nghiệp tương đối hạn chế nên tỷ lệ lấp đầy tại miền Nam ổn định ở mức 92%, diện tích hấp thụ đạt hơn 20 ha. Các nhà sản xuất trong và ngoài nước có xu hướng mở rộng ra các thị trường cấp 2 như Bà Rịa – Vũng Tàu và Tây Ninh, nơi quỹ đất công nghiệp còn tương đối dồi dào cùng với giá thuê cạnh tranh hơn so với các thị trường cấp 1.
Còn tại miền Bắc, do không có dự án mới đi vào hoạt động trong quý và các khu công nghiệp hiện hữu tại thị trường cấp 1 miền Bắc tiếp tục thu hút khách thuê mới nên tỷ lệ lấp đầy tăng 1,3 điểm phần trăm, đạt 83%.
Trong khi đó, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, Việt Nam đã và đang lọt vào tầm ngắm của lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo bà Trang, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành thị trường tiềm năng thu hút đầu tư. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn ở một thị trường chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Một động lực rất quan trọng khác hứa hẹn sẽ mang đến "làn gió mới" cho thị trường bất động sản trong thời gian tới là tác động tích cực của Luật Đất đai sửa đổi kỳ vọng sẽ có hiệu lực sớm từ ngày 1/7/2024.
Nhiều địa phương đẩy mạnh phát triển khu, cụm công nghiệp
Trước những chuyển biến tích cực của thị trường bất động sản công nghiệp, nhiều địa phương đẩy mạnh phát triển và kêu gọi đầu tư cho phân khúc này.
Mới đây, theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định (IPC Binh Dinh), UBND huyện Phù Mỹ vừa có thông báo mời nhà đầu tư quan tâm đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Trung Hiệp và Cụm công nghiệp Trung Thành.
Cụ thể, Cụm công nghiệp Trung Hiệp tại thôn Trung Hiệp, xã Mỹ Chánh Tây, có quy mô diện tích khoảng 61 ha. Cụm công nghiệp Trung Thành tại thôn Trung Thành 1, xã Mỹ Quang, có quy mô diện tích khoảng 75 ha.
Hai cụm công nghiệp (CCN) trên ưu tiên thu hút các ngành nghề sản xuất, chế biến ít gây ô nhiễm môi trường như chế biến nông lâm sản xuất khẩu; sản xuất vật liệu xây dựng; cơ khí sửa chữa; may mặc…
Theo Phương án phát triển CCN tỉnh Bình Định, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 68 CCN với tổng diện tích 3.470 ha. Đến nay, tỉnh Bình Định có 46 CCN với tổng diện tích 1.525 ha được quyết định thành lập; trong đó có 37 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp 904,2 ha.
Còn tại Hải Dương cũng có thêm 2 cụm công nghiệp tổng diện tích hơn 134 ha. Theo quyết định số 981/QĐ-UBND tỉnh Hải Dương, cụm công nghiệp phía Tây Việt Hoà có diện tích 59,9 ha, tổng mức đầu tư hơn 732 tỷ đồng tại phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Tân Hưng.
Cụm công nghiệp Tây Việt Hoà có vị trí phía Bắc giáp kênh tiêu và đường Phố Văn; phía Nam giáp đường sắt Hà Nội - Hải Phòng; phía Đông giáp kênh tiêu và đường Tân Dân và phía Tây giáp đất canh tác xã Cẩm Văn, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng.
Về tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự án sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I sẽ được thực hiện từ quý II năm 2024 đến hết quý IV năm 2025, giai đoạn II từ quý I năm 2026 đến hết quý I năm 2028.
Đối với việc thành lập cụm công nghiệp Thái Tân, theo quyết định số 979/QĐ-UBND của tỉnh Hải Dương, cụm công nghiệp thuộc địa bàn các xã Thái Tân, Nam Hồng và Hồng Phong, huyện Nam Sách. Cụm công nghiệp có diện tích khoảng 75 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Toàn Cầu.
Cụm công nghiệp Thái Tân có vị trí phía Bắc giáp đường quy hoạch đường Vành đai 2 Hải Dương; phía Nam giáp thôn Đoàn Kết, xã Hồng Phong; phía Đông giáp cụm công nghiệp Nam Hồng - Hồng Phong; phía Tây giáp đất nông nghiệp xã Thái Tân và xã Hồng Phong.
Dự án được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I từ quý II năm 2024 đến hết quý IV năm 2025 còn giai đoạn II được thực hiện từ quý I năm 2026 đến hết quý IV năm 2028.
Trong khi đó, Long An cũng vừa mới được chuyển 43 ha đất trồng lúa sang thực hiện Dự án Cụm công nghiệp Tân Phú. Theo đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký văn bản số 261/TTg-NN chấp thuận UBND tỉnh Long An quyết định chuyển mục đích sử dụng 43,0009 ha đất trồng lúa sang mục đích khác để thực hiện Dự án Cụm công nghiệp Tân Phú trên địa bàn huyện Đức Hòa...