Bất động sản Đồng Nai 'sốt' chưa từng có, giá hơn 228 tỷ đồng một căn biệt thự

Đông Bắc 15:47 | 15/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đồng Nai đang đối diện với cơn sốt bất động sản (BĐS) chưa từng có, giá nhà phố, biệt thự tại địa phương này lập mức cao nhất 228,5 tỷ đồng/căn, vượt cả TP HCM, Long An và Bình Dương.

 

  Giá nhà phố, biệt thự tại Đồng Nai lập mức cao nhất từ trước đến nay. Ảnh BĐN.

Báo cáo tháng 7 của Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam (DKRA Vietnam)chỉ ra giá nhà phố, biệt thự tại Đồng Nai lập mức cao nhất 228,5 tỷ đồng một căn, vượt nhiều địa phương khác như TP HCM, Long An, Bình Dương. Đồng Nai cùng với Bình Dương là 2 tỉnh sở hữu nguồn cung lớn nhất khu vực TP HCM và vùng phụ cận, chiếm lần lượt 30% và 35%.

Giá bán nhà phố, biệt thự tăng 2-4% so với giai đoạn trước đó (mỗi giai đoạn cách nhau 1-3 tháng). Nhiều chính sách ưu đãi vẫn được chủ đầu tư tiếp tục áp dụng nhằm thu hút khách hàng.  Báo cáo nhận định nguồn cung và lượng tiêu thụ trong tháng tiếp theo có xu hướng sụt giảm đáng kể và tập trung chủ yếu ở Bình Dương, Đồng Nai.

Riêng tại TP HCM, nguồn cung và lượng tiêu thụ ghi nhận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, tuy nhiên vẫn còn ở mức rất thấp và tập trung cục bộ tại khu Đông-chiếm 59% tổng nguồn cung. Giá bán sơ cấp không biến động nhiều so với tháng trước nhưng ghi nhận tăng 6%-9% so với giai đoạn mở bán trước đó (mỗi giai đoạn cách nhau 3 tháng). Tuy nhiên, các chủ đầu tư vẫn đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu để hỗ trợ khách hàng cũng như kích cầu thị trường.

Báo cáo cho biết thanh khoản thứ cấp kém sôi động, giá bán thứ cấp không có nhiều biến động so với tháng trước, các giao dịch tập trung chủ yếu vào những dự án đã bàn giao nhà. Việc tăng cường kiểm soát tín dụng khiến thanh khoản thị trường sụt giảm, làm hạn chế cơ hội tiếp cận nhà ở của khách hàng, đặc biệt là những người có nhu cầu ở thực.

Trong những tháng tiếp theo, DKRA dự kiến nguồn cung và lượng tiêu thụ nhà phố, biệt thự tại TP HCM sẽ tăng nhưng không có nhiều đột biến và tập trung chủ yếu ở khu Đông.

Giá bất động sản Đồng Nai tăng 'phi mã' do đâu?

Đồng Nai được xem là đầu mối giao thông của khu vực phía Nam nên giá đất đai trên địa bàn địa phương này trong những năm gần đây liên tục tăng cao. Với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường Vành đai 3 - TP HCM, các tuyến đường cao tốc: Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương… đang được ưu tiên triển khai và đẩy nhanh tiến độ, Đồng Nai trở thành nơi thu hút nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

 Bất động sản tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) tăng bất thường. Ảnh BĐN. 

Theo đó, giá đất nông nghiệp, phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục tăng từ năm 2018 đến đầu năm 2022. Hiện giá đất đã hạ nhiệt nhưng vẫn giữ ở mức khá cao và thiết lập mặt bằng giá mới. Giá đất bị đẩy lên cao hơn giá trị thực ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư vào tỉnh và các dự án đang triển khai ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất.

Được biết, tại một số địa phương ở Đồng Nai, giá đất nông nghiệp tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Cụ thể, khu vực huyện Xuân Lộc, huyện Cẩm Mỹ dao động từ 6-15 tỷ đồng/ha, tùy theo từng vị trí, càng gần các trục đường giao thông lớn giá càng cao. Tương tự, tại khu vực huyện Tân Phú, huyện Định Quán đất nông nghiệp cũng được sang nhượng với giá từ 3-8 tỷ đồng/ha; khu vực huyện Thống Nhất, huyện Trảng Bom dao động từ 10-16 tỷ đồng/ha…

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc - ông Nguyễn Văn Linh cho biết, tính đến thời điểm tháng 7/2022, tại một số tuyến đường mới mở ra, giá đất nông nghiệp ven đường tăng từ 8-10 lần. Người mua đa số từ nơi khác đến và chủ yếu là đầu tư đợi giá tăng sẽ bán ra. Vì giá đất tăng cao nên nhiều người đã tách nhỏ đất nông nghiệp 1-2 ngàn m2/thửa cho dễ bán. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tích tụ đất đai và phát triển nông nghiệp thành vùng sản xuất lớn theo hướng hàng hóa. Huyện đã đề xuất tỉnh một số giải pháp thắt chặt trong quản lý đất đai, tránh tình trạng phân lô, bán sào đất nông nghiệp phá vỡ quy hoạch.

Trong nhiều cuộc họp liên quan đến thị trường BĐS tại tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai, hạn chế tình trạng phân lô, bán sào đất nông nghiệp, đồng sở hữu. Các trường hợp vi phạm về đất đai xử lý nghiêm, dứt điểm. Đồng thời, Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung những bất cập trong Luật Đất đai năm 2013 để quản lý đất đai, phát triển BĐS ổn định bền vững.