Bất động sản du lịch còn nhiều dư địa phát triển

21:33 | 19/11/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Ngành du lịch trong nước và quốc tế đang có sự thay đổi rất nhanh, với nhiều cơ hội mở ra cho các chủ đầu tư, không chỉ tăng trưởng nhu cầu phòng mà còn tăng trưởng các đối tượng khách hàng mới. Do đó, nếu đơn thuần chỉ phát triển theo kiểu truyền thống sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh cũng như phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong trung và dài hạn.

Nhằm khái quát lại tiềm năng, thế mạnh, cơ hội và thách thức trong giai đoạn hiện nay, đồng thời nhận diện những xu hướng phát triển mới của thị trường bất động sản (BĐS)  du lịch Việt Nam trong thời gian tới, chiều 19/11, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) tổ chức Tọa đàm Những xu hướng mới của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam.

Bất động sản du lịch còn nhiều dư địa phát triển - ảnh 1
  Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: BĐS du lịch hiện có tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên nền tảng thiên nhiên, văn hóa, thể chế, tăng trưởng kinh tế. Từ diễn biến thực tế thời gian qua khẳng định, lượng khách du lịch đang tăng trưởng tốt. Trung bình mỗi năm, có 15 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, vượt xa con số 4 triệu khách của 10 năm trước; bên cạnh đó là 80 triệu lượt khách nội địa, gấp 4 lần so với thập kỷ trước. Nguyên nhân quan trọng là chúng ta đã có những "sếu đầu đàn" về du lịch… Từ đó, hạ tầng du lịch ở nhiều địa phương được đầu tư quy mô, xuất hiện nhiều công trình tầm cỡ quốc tế. Du lịch "thăng hoa" sẽ tạo động lực thúc đẩy bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Rõ ràng, việc khách du lịch tăng trưởng sẽ kéo theo nhu cầu lưu trú, tạo điều kiện cho villa, khách sạn và các nhu cầu dịch vụ, mua sắm, giải trí phát triển. Tuy nhiên, theo các số liệu thống kê, dù tăng trưởng nhanh, nhưng năm 2018, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam vẫn thấp so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (38 triệu), Malaysia (25 triệu), Singapore (18,5 triệu), Indonesia (15,8 triệu). Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 10 tháng năm 2019 đạt 14,5 triệu lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng vẫn xếp sau nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á về thu hút khách ngoại. Đặc biệt, mức chi tiêu của khách du lịch đến Việt Nam vẫn còn thua xa với các nước. Khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu 96 USD/ngày nhưng ở Singapore là 330 USD/ngày, ở Thái Lan là 115 USD/ngày.
So với các quốc gia phát triển mạnh về du lịch trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore…, số lượng cơ sở lưu trú và các dịch vụ giải trí của Việt Nam còn rất hạn chế. Mặt khác, nguồn cung BĐS du lịch của Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu căn hộ lưu trú cho khách du lịch quốc tế.
Ngoài ra, giá BĐS du lịch ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các quốc gia có cùng tiềm năng phát triển du lịch. Do đó, BĐS du lịch còn nhiều dư địa phát triển. Điều này cũng phù hợp với xu hướng đầu tư vào BĐS du lịch nhằm vào tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông.
Vì vậy, theo đánh giá của ông Nam, việc đầu tư BĐS du lịch khó khăn và thách thức hơn đầu tư nhà ở rất nhiều, không phải bán là xong, mà quan trọng hơn là vận hành thế nào cho hiệu quả. Vì thế, ngay từ khâu thiết kế sản phẩm đã phải tính toán kỹ lưỡng để không những thu hút khách mua mà còn mang đến những trải nghiệm ấn tượng cho du khách sau này. Do đó, để phát triển bền vững, thị trường cần có những nhà đầu tư có tâm, có tầm. Bản thân những chủ đầu tư BĐS du lịch, nghỉ dưỡng lớn cũng chính là "sếu đầu đàn" trong lĩnh vực du lịch. Vì họ sẽ biết đầu tư vào vị trí nào, cách làm ra sao, bố trí các sản phẩm bổ trợ nhau để tạo sức cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ khách du lịch.
Bất động sản du lịch còn nhiều dư địa phát triển - ảnh 2
 Bất động sản du lịch còn nhiều dư địa phát triển.
Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng: Nhìn lại toàn bộ quá trình phát triển thị trường BĐS du lịch Việt Nam có thể thấy có rất nhiều dự án “lớn”, nhưng so với thế giới vẫn “chưa là gì”. Chưa kể, thị trường thời gian qua có tự tắc nghẽn nhất định do khung pháp luật về BĐS du lịch chưa đáp ứng được. Điều này khiến cho các cán bộ có thẩm quyền phê duyệt lâm vào cảnh e ngại.
Cũng theo GS Võ, dù giai đoạn vừa rồi thị trường du lịch đã ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhưng mức tăng trưởng đó vẫn ở giai đoạn đầu, còn nhiều cơ hội để tăng trưởng hơn nữa. Nhưng để làm được điều đó thì chúng ta cũng cần giải quyết nhiều thách thức.
Cụ thể đối với thị trường BĐS du lịch, để vượt qua khó khăn về vốn trong bối cảnh dòng vốn vào thị trường khá eo hẹp, việc bán các BĐS du lịch hình thành trong tương lai là một giải pháp rất tốt để giải quyết bài toán về vốn. Hiện đã có nhiều dự án BĐS du lịch đảm bảo chất lượng tốt, có quy hoạch được một số công trình vui chơi giải trí. Thị trường cũng đã chứng kiến sự bùng nổ của phân khúc condotel, nhưng vì nhiều lý do trong đó nhiều nhất là tính pháp lý khiến phân khúc này giai đoạn vừa qua có nhịp chững. Từ thực tế đó, có thể thấy rằng, kinh tế chia sẻ vào Việt Nam nhưng việc tiếp nhận và quản lý nó như thế nào thì vẫn còn nhiều lúng túng.
Do đó, để thị trường BĐS du lịch Việt Nam tăng trưởng hơn nữa, Giáo sư Võ nhấn mạnh, cần phải khắc phục được những điểm yếu về kinh tế chia sẻ này, đó cũng là cơ hội để các mô hình BĐS du lịch đa công năng có thể phát huy được lợi thế, bởi đây chính là xu thế mới trong phát triển du lịch của các quốc gia trên thế giới hiện nay.