Bị cấm xuất cảnh vì nợ thuế ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp?

Nhật Di 09:47 | 28/05/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thời gian qua, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh do liên quan đến nợ thuế. Nhiều trường hợp nợ số tiền thuế rất nhỏ nhưng cũng bị cho vào danh sách tạm hoãn xuất cảnh và điều này ảnh hưởng không nhỏ đối với các doanh nghiệp.

  

Bị cấm xuất cảnh vì nợ chưa đến một triệu đồng tiền thuế

Thời gian qua, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị nêu tên trong danh sách những người bị hoãn xuất cảnh do liên quan đến vấn đề nợ đọng thuế.

Đơn cử như các chi cục hải quan thuộc Cục Hải quan TP HCM vừa ra quyết định liên quan đến việc tạm hoãn xuất cảnh đối 12 cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp (DN) do nợ thuế. Điển hình, Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực IV vừa gửi Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an, thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lê Huy Bình, Giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Hóa chất Hải Đăng. Lý do: công ty ông Bình chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế 977.222 đồng tiền thuế....

 Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh do nợ thuế. Ảnh minh họa: nguồn ANTT.

Không chỉ các chi cục hải quan thuộc Cục Hải quan TP HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Bình, Quảng Nam và nhiều địa phương khác đều công khai danh tính các lãnh đạo doanh nghiệp nợ đọng thuế và bị cấm xuất cảnh...

Mới đây, Chi cục Thuế khu vực Biên Hòa - Vĩnh Cửu, thuộc Cục Thuế tỉnh Đồng Nai thông báo về việc đề nghị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) tạm hoãn xuất cảnh đối với 64 cá nhân là đại diện pháp luật của các DN nợ thuế....

Cấm xuất cảnh do nợ thuế ảnh hưởng đến doanh nghiệp thế nào?

Có thể thấy, ngày càng nhiều lãnh đạo DN bị cấm xuất cảnh vì nợ thuế, thậm chí với số tiền rất nhỏ, chưa tới 1 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng việc hoãn xuất cảnh lãnh đạo doanh nghiệp chỉ vì 1 triệu đồng nợ thuế là "hơi quá". Hơn nữa, lãnh đạo doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh cũng được xem là "vết đen" trong hồ sơ của doanh nhân, doanh nghiệp...

Về việc này, Luật sư Đỗ Thị Hằng - Giám đốc chi nhánh Công ty Luật BFSC tại Hà Nội cho biết, quy định về tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân đại diện cho doanh nghiệp có căn cứ vào Điều 66 Chương VII của Luật Quản lý thuế, số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/07/2020 và Điều 21 Chương IV của Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/12/2020, quy định về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh.

Việc hạn chế xuất cảnh đối với lãnh đạo doanh nghiệp khi chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế là một biện pháp cưỡng chế hành chính nhằm đảm bảo thu hồi nợ thuế. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp.

  Luật sư Đỗ Thị Hằng - Giám đốc chi nhánh Công ty Luật BFSC tại Hà Nội.

Còn đối với trường hợp doanh nghiệp nợ thuế số tiền nhỏ chưa đến một triệu đồng, bà Hằng cho rằng, việc tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp này có thể khá máy móc và chưa hợp lý. Cơ quan thuế cần có sự linh hoạt và cân nhắc mức độ nghiêm trọng của vi phạm trước khi áp dụng biện pháp này tránh gây thiệt hại lớn hơn cho doanh nghiệp. Những chủ thể đang đóng góp nguồn thu chính vào ngân sách nhà nước. (Theo tổng hợp số liệu từ Bộ Tài chính, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách, thường chiếm tỷ trọng hơn 70% đến hơn 80% trong tổng thu NSNN).

Luật sư Đỗ Thị Hằng cho biết thêm, cụm từ “cấm xuất cảnh” đối với lãnh đạo doanh nghiệp khá là "nhạy cảm" bởi nhiều lãnh đạo tập đoàn trước đó bị cấm xuất cảnh sau đó là xộ khám. Tuy nhiên, cấm xuất cảnh nghe có vẻ rất nghiêm trọng nếu ai không hiểu biết pháp luật.

Thực ra, quy định chỉ có cụm quyết định tạm hoãn xuất cảnh theo Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, đánh đồng với việc cấm xuất cảnh sẽ làm một khủng hoảng truyền thông, tiêu cực đối với doanh nghiệp. Trường hợp thông tin bị tiết lộ sẽ làm ảnh hưởng đến truyền thông, thương hiệu và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

 Pháp luật là phải nghiêm minh

  Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ trên Báo Tiền phong: Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể số tiền nợ thuế bị cấm xuất cảnh. Như vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, dù có nợ số tiền lớn hay nhỏ, đều bị tạm hoãn xuất cảnh.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến tính nghiêm minh của pháp luật và tính tuân thủ, chấp hành pháp luật của người nộp thuế, nên không thể đưa ra lý do "nợ thuế số tiền nhỏ" được. Đã là quy định pháp luật thì dù nợ thuế vài ngăm tràn đồng hay hàng tỉ, đều phải áp dụng các quy định như nhau.

Hiện nay, việc quản lý thuế ngày càng hiện đại, việc tra cứu thông tin, dữ liệu nộp thuế rất đơn giản, thuận tiện cho người nộp thuế, nên để nắm được thông tin còn nợ thuế hay không là điều không khó. Do đó, việc nhiều người đưa ra lý do "nợ số thuế rất ít" do không nắm được thông tin là chưa hợp lý.

 

Dưới góc độ luật sư, bà Đỗ Thị Hằng cho biết cá nhân và đơn vị của bà cũng đã từng hỗ trợ tư vấn và giải quyết rất nhiều trường hợp rơi vào tình cảnh “cấm” xuất cảnh do nợ thuế này. Các thủ tục để gỡ bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh hay khiếu nại quyết định này rất mất thời gian và không rõ ràng, khiến cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng danh tiếng, gián đoạn kinh doanh, theo đuổi thủ tục gỡ bỏ quyết định mệt mỏi. Do đó, luật sư Đỗ Thị Hằng đưa ra kiến nghị: 

Với cơ quan thuế: Nên có quy định cụ thể hơn về ngưỡng nợ thuế và mức độ vi phạm để áp dụng biện pháp hạn chế xuất cảnh, tránh việc áp dụng máy móc gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp: Cần chủ động hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đúng hạn để tránh bị áp dụng biện pháp cưỡng chế. Trong trường hợp gặp khó khăn tài chính, doanh nghiệp nên liên hệ với cơ quan thuế để được hỗ trợ và hướng dẫn giải quyết.

Với Cơ quan lập pháp: Nên xem xét điều chỉnh quy định pháp luật để có các biện pháp cưỡng chế phù hợp hơn, tránh việc đánh đồng cụm từ “cấm xuất cảnh” với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.