Bình Định bổ sung thêm 349 dự án nhà ở giai đoạn 2020-2025
Kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh này đã được phê duyệt tại Quyết định số 1411/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 và Quyết định số 4362/QĐ-UBND ngày 1/11/2021 trước đó.
Theo UBND tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có 338 dự án đầu tư nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư với diện tích sử dụng đất hơn 12.108 ha.
Tại Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung lần này, số dự án tăng lên 687 dự án (tức tăng 349 dự án); nhưng diện tích sử dụng đất giảm xuống 8.054 ha (tức giảm 4.053 ha).
Cụ thể, các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khu dân cư ban đầu (213 dự án với diện tích sử dụng đất hơn 11.545 ha) được điều chỉnh thành 509 dự án với diện tích sử dụng đất 6.985 ha (tăng 296 dự án nhưng diện tích sử dụng đất giảm 4.560 ha).
Trong đó, TP Quy Nhơn có 53 dự án quy mô 9.451 ha, nay được điều chỉnh thành 79 dự án với 1.394 ha; thị xã An Nhơn có 14 dự án quy mô 382 ha, nay được điều chỉnh thành 56 dự án quy mô 764 ha; huyện Tây Sơn có 16 dự án quy mô 152 ha, nay được điều chỉnh thành 31 dự án quy mô 524 ha; huyện Phù Mỹ có 5 dự án quy mô 81 ha, nay được điều chỉnh thành 99 dự án quy mô 972 ha.
Bên cạnh đó, huyện Phù Cát có 30 dự án quy mô 190 ha, nay được điều chỉnh thành 125 dự án quy mô 1.433 ha; huyện Tuy Phước có 20 dự án quy mô 390 ha, nay được điều chỉnh thành 33 dự án quy mô 723 ha; huyện An Lão có 4 dự án, nay được điều chỉnh thành 9 dự án; huyện Vĩnh Thạnh có 11 dự án, nay được điều chỉnh thành 21 dự án; huyện Vân Canh có 8 dự án, nay được điều chỉnh thành 6 dự án.
Với dự án nhà ở xã hội từ 30 dự án, 74,82 ha đất bố trí sử dụng đã được điều chỉnh tăng 33 dự án, hơn 125 ha (tăng 3 dự án đầu tư và diện tích đất 50,45 ha).Trong đó, TP Quy Nhơn được điều chỉnh còn 24 dự án; thị xã Hoài Nhơn có 3 dự án; huyện Tây Sơn có 2 dự án; thị xã An Nhơn có 2 dự án; huyện Vân Canh có 1 dự án; huyện Tuy Phước có 1 dự án.
Dự án nhà ở tái định cư, kế hoạch có 95 dự án, 487,99 ha đã được điều chỉnh lên 145 dự án, 944,09 ha (tăng 50 dự án, 456 ha). Trong đó, TP Quy Nhơn có 12 dự án; huyện Hoài Ân có 22 dự án; huyện Vĩnh Thạnh có 2 dự án; huyện Vân Canh có 6 dự án; huyện An Lão có 2 dự án; huyện Tuy Phước có 13 dự án; huyện Tây Sơn có 10 dự án; thị xã Hoài Nhơn có 36 dự án; huyện Phù Cát có 12 dự án; huyện Phù Phù Mỹ có 9 dự án; thị xã An Nhơn có 21 dự án.
Theo UBND tỉnh Bình Định, sau khi quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025 được tỉnh ban hành, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch, thường xuyên theo dõi việc thực hiện.
Trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển nhà ở, tùy theo tình hình thực tế có thể điều chỉnh kế hoạch, danh mục cho phù hợp với mục tiêu Chương trình phát triển nhà ở, tuân thủ theo quy định của pháp luật; kịp thời tham mưu đề xuất, báo cáo UBND tỉnh quyết định phương hướng xử lý.
Phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng
Trước đó, HĐND tỉnh Bình Định đã ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định 5 năm 2021 - 2025, trong đó tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng chính.
Cụ thể, trụ cột tăng trưởng thứ nhất là phát triển công nghiệp, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tạo động lực phát triển nhanh nền kinh tế của tỉnh. Trong đó, tập trung nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng và đưa Khu công nghiệp - đô thị Becamex đi vào hoạt động; tích cực thu hút các nhà đầu tư lấp đầy các khu công nghiệp hiện có và có kế hoạch phát triển các khu công nghiệp mới.
Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu đàn về công nghệ thông tin như TMA, FPT… phát triển; tham gia chuỗi công viên phần mềm Quang Trung; thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) gắn với khởi nghiệp sáng tạo và ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông - lâm - thủy sản, hình thành các “cụm sản xuất nông - công nghiệp ở nông thôn”.
Trụ cột tăng trưởng thứ hai là du lịch, tiến hành đồng bộ từ quy hoạch địa điểm, quy hoạch sản phẩm đến đầu tư, quản lý hoạt động du lịch. Xây dựng Bình Định thành điểm du lịch “3 tốt” và “3 không” . Tích cực quảng bá du lịch trong nước và ngoài nước, lấy điểm nhấn là: “Quy Nhơn - thành phố du lịch sạch ASEAN”, “Quy Nhơn - điểm đến du lịch”; có chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp lữ hành quốc tế.
Trụ cột tăng trưởng thứ ba là dịch vụ cảng và logistics, bao gồm cảng biển và cảng hàng không. Tập trung khai thác hiệu quả cảng Quy Nhơn hiện có gắn với sự phát triển hệ thống cảng cạn (ICD) và hiện đại dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất, đồng thời nghiên cứu xác định địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng.
Khai thác tốt vận tải hàng không; xúc tiến việc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp sản xuất gia công hàng điện tử - viễn thông gần sân bay nhằm tận dụng lợi thế vận tải hàng không của Cảng hàng không Phù Cát.
Thứ tư là phát triển nông - lâm - thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng. Thu hút các nhà đầu tư đầu tư xây dựng các trang trại trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; có biện pháp nâng cao chất lượng rừng trồng; xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với nông hộ tham gia chuỗi sản xuất và tiêu thụ; hiện đại hóa nghề cá, nhất là nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ.
Xây dựng và hiện đại hóa trung tâm hậu cần nghề cá Tam Quan và Đề Gi. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Thứ năm, phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa, tiếp tục phát triển khu đô thị mới Nhơn Hội; quy hoạch phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư gắn với các khu công nghiệp và việc mở rộng giao thông (như Khu công nghiệp - đô thị Becamex A, Khu đô thị - dịch vụ Becamex B, đường ven biển, đường nối sân bay Phù Cát - Nhơn Hội…). Quy hoạch đường sắt nội đô nối Cát Tiến với Trung tâm Quy Nhơn.