Bình Dương thu hút vốn trong nước gần 3 tỷ USD, vượt vốn FDI
Chiều 30/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo về tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng năm 2022. Thông tin đáng chú ý, tính đến ngày 15/8, dòng vốn đầu tư trong nước rót vào Bình Dương trong 8 tháng đạt 62.359 tỷ đồng (tương đương gần 3 tỷ USD), tăng 2,1% so với cùng kỳ.
Qua đó cho thấy, nguồn vốn đầu tư trong nước lần đầu vượt thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI (8 tháng đạt hơn 2,5 tỷ USD).
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Hà, việc tăng nguồn vốn đầu tư trong nước là một tín hiệu tốt về môi trường đầu tư của Bình Dương.
Việc đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư; trong đó, tăng mạnh vốn đầu tư trong nước, góp phần lành mạnh hóa thị trường đầu tư, giảm lệ thuộc vào nguồn vốn ngoại, kích thích thêm động lực phát triển mới và bền vững.
Việc tăng nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào thị trường cũng góp phần nâng tầm về hoạt động thương mại-dịch vụ, gia tăng sản xuất và xuất khẩu nhiều hơn.
Cụ thể, trong 8 tháng về tình hình hoạt động thương mại-dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bình Dương với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 8 tháng, đạt 177.854 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, về kim ngạch xuất khẩu cũng có nhiều tín hiệu tốt; cụ thể 8 tháng đạt hơn 24 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu 17 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ, góp phần thặng dư thương mại 7 tỷ USD.
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký kinh doanh trong nước tăng cao so với cùng kỳ; thu, chi ngân sách đảm bảo theo dự toán; dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tại cuộc họp thường kỳ tháng Tám, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho rằng, nhìn chung về các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội của tỉnh đang đảm bảo đúng kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, tỉnh lưu ý các sở, ngành liên quan cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung-cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng.
Các ngành, các cấp chủ động phòng chống thiên tai, lụt bão, tổ chức các hoạt động tiếp xúc các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động, nhất là doanh nghiệp ngành gỗ, dệt may, da giày.
Cùng với đó, tỉnh yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm định dự toán các gói thầu mua sắm của các cơ quan, đơn vị; tiếp tục phát huy những cách làm hiệu quả trong việc huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng như: đường Vành đai 3, các đoạn còn lại của tuyến Vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, cảng An Tây, nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1; đồng thời, khẩn trương xử lý những tồn đọng tại các khu đô thị, khu dân cư đang gây bức xúc trong nhân dân, góp phần phát huy hiệu hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong nước, nhất là vốn đầu tư công.