Bình Thuận đề xuất xây dựng hàng loạt nút giao thông kết nối hai tuyến cao tốc sắp vận hành

Nguyễn Triệu 10:13 | 04/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các tuyến đường kết nối cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây giúp liên kết các quốc lộ, đường ven biển, thuận lợi đi lại, giao thương ở tỉnh.

Ngày 3/2, thông tin từ Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết, đơn vị này đã đề xuất xây dựng nâng cấp 7 trục giao thông kết nối hai tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây để nối thông đến QL1, các trục đường ven biển, Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh này thông qua 7 nút giao cao tốc.

 Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết quan địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc (Ảnh VnExpress)

Trong bảy trục, có 4 trục kết nối trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đầu tiên là với quốc lộ 1 tại xã Vĩnh Hảo (giáp khu công nghiệp Tuy Phong) dài 2,6 km, đang triển khai; khu vực ven biển Hòa Phú (huyện Tuy Phong), gồm 2 đoạn tổng chiều dài hơn 14 km, dự kiến đầu tư trong giai đoạn năm 2026-2030. Ngoài ra, hai trục kết nối cao tốc này với khu vực ven biển Hòa Thắng, gồm: đoạn từ cao tốc đến quốc lộ 1 thông qua quốc lộ 28B; trục kết nối cao tốc thông qua quốc lộ 28 đến quốc lộ 1 vào TP Phan Thiết, dài 16,5 km. Trong hai trục này, một dự án đã được phê duyệt, một đang đề xuất.

Ở cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có ba trục liên kết, gồm: kết nối cao tốc đến khu vực ven biển Tiến Thành, TP Phan Thiết, tổng chiều dài gần 13 km, đang được thi công; kết nối khu vực ven biển thị xã La Gi và huyện Hàm Tân thông qua quốc lộ 55, dài khoảng 49 km; kết nối khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ Sơn Mỹ và khu vực ven biển huyện Hàm Tân, đang triển khai thủ tục đầu tư.

Để tiếp tục phát triển về phía Nam tỉnh cũng đã đề xuất triển khai xây dựng trục đường huyện Hàm Tân thông qua QL55, dài khoảng 49 km, kết nối khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ Sơn Mỹ và khu vực ven biển huyện Hàm Tân. Hiện, tuyến đường này đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư và chờ vốn bổ sung để khởi công. Đoạn từ QL1 đến QL55 (đường từ thị trấn Tân Minh đi Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân) là tuyến mở mới, chiều dài khoảng 24km. Đến nay HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương vào tháng 7/2021. Hiện, Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đang hoàn thiện thủ tục đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài ra, hai tuyến QL28 và QL55 sẽ được mở rộng, nâng cấp. Đến nay Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì, tổng hợp kiến nghị của tỉnh, phối hợp các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu khảo sát chuẩn bị các điều kiện để triển khai khi bố trí được vốn. Việc đưa vào khai thác các cao tốc cùng với các đường kết nối hệ thống giao thông của tỉnh thông qua 7 nút giao giúp tỉnh khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: logistics, các đô thị... các cụm công nghiệp, các khu du lịch biển.

Theo báo Thanh Niên dẫn lời, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận ông Dương Văn An cho hay: “Sẽ là chìa khóa tháo gỡ nút thắt về giao thông cho Bình Thuận. Các dự án này không chỉ kỳ vọng của chính quyền mà còn mơ ước của người dân Bình Thuận bao đời nay khi hệ thống giao thông đối ngoại hết sức khó khăn, người dân di chuyển đến TP.HCM phải mất nhiều giờ liền”.

Ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, đánh giá sau khi cả 2 tuyến cao tốc hoàn thành, du khách đến Bình Thuận từ sân bay Tân Sơn Nhất hoặc sân bay Cam Ranh rút ngắn một nửa thời gian di chuyển như hiện nay. “Chúng tôi kỳ vọng, không chỉ có ngành du lịch, mà các ngành kinh tế khác đều hưởng lợi từ việc này. Đặc biệt khi sân bay Phan Thiết kịp tiến độ (dự kiến hoàn thành trong năm 2023) sẽ là điều kiện để kinh tế tỉnh nhà bứt phá trong thời gian tới”, ông Bình phấn khởi.