Bộ Công thương cam kết tiếp tục giảm thủ tục hành chính về điều kiện kinh doanh
Chỉ trong vòng hai năm 2019 và 2020, Bộ Công thương đã cắt giảm hơn 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Mục đích là nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, cũng như giảm tải gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp cũng như người dân.
Trong giai đoạn sắp tới, Bộ Công thương sẽ triển khai tiếp việc này.
Theo ông Nguyễn Anh Sơn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) - năm 2021 có ý nghĩa quan trọng trong việc chuẩn bị thực hiện kế hoạch kinh tế 5 năm 2021 - 2025, và hoạch định chiến lược trong 10 năm sắp tới.
Do đó, Bộ sẽ tiếp tục rà soát và xây dựng lộ trình cắt giảm các quy định gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là hoạt động theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/2020/NQ-CP. Có nội dung sẽ xây dựng Phương án cắt giảm ĐKĐTKD, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành cho giai đoạn 2021-2025 sắp tới.
Ảnh minh họa
Các nội dung bị cắt giảm sẽ dựa trên nguyên tắc: Đặt doanh nghiệp và người dân làm trung tâm. Thúc đẩy và tạo mọi điều kiện giảm chi phí và tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, người dân trong việc thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh các quy định, Bộ cũng sẽ nghiên cứu, cắt giảm và đơn giản hóa những quy định không cần thiết, không hợp lý trong các văn bản hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển DN.
Trong thực hiện cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh Bộ nhấn mạnh tới việc đảm bảo tính minh bạch cùng trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp. Xem xét việc đẩy nhanh quá trình phân cấp quản lý theo ngành, lĩnh vực thuộc tầm quản lý cấp nhà nước của Bộ Công Thương.
Về chương trình cụ thể, Bộ Công thương sẽ trình phương án rà soát và xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ lên Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 5 năm 2021-2025. Các loại chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến ĐKĐTKD sẽ được thống kê, cập nhật dữ liệu và tính toán chi tiết.
Quá trình chỉnh sửa, hoàn thiện dữ liệu sẽ được tiếp tục trên hệ thống phần mềm rà soát của Chính phủ và sẽ cập nhật những sự thay đổi liên quan tới ĐKĐTKD. Tất cả các công việc trên sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ nắm rõ tình hình, tiến độ thực hiện kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc trong các lĩnh vực dưới quyền của Bộ Công Thương.
Cuối cùng, Bộ Công thương cũng muốn các hiệp hội và cộng đồng DN tăng cường thống kê, đưa ra những con số cụ thể về hiệu quả của việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh gửi về Bộ Công Thương để tổng hợp, đánh giá. Việc này là để mang lại hiệu quả thực chất cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó doanh nghiệp cần tiếp tục mạnh dạn kiến nghị điều chỉnh chính sách, đặc biệt là các quy định gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động kinh doanh để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch.
H.S
Xem thêm: Xác nhận có gian lận, Bộ Công Thương đề nghị `soi` kỹ xuất xứ hàng hóa