Bộ Công thương: “Giá phân bón sẽ leo thang cho đến cuối năm”
Tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra chiều 17/6, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, cho biết sau quá trình điều tra, Việt Nam đã áp thuế tự vệ với phân bón DAP, MAP nhập khẩu từ 2017. Việc tăng giá của mặt hàng này ghi nhận kể từ những tháng đầu năm nay.
Sau khi thường xuyên theo dõi và phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thấy rằng giá phân bón DAP, MAP tăng phần lớn là do yếu tố bên ngoài.
Cụ thể, nguyên liệu sản xuất phân bón và chi phí vận tải đều tăng. Trong đó, nguyên liệu chính để sản xuất DAP và MAP là lưu huỳnh về đến nhà máy sản xuất (S) tăng hơn 2 lần, từ 95 USD/tấn lên 280 USD/tấn. Tương tự, giá amoniac (NH3) tăng 31,4%, tương đương mức tăng 102 USD/tấn. Đồng thời, giá vận chuyển cũng tăng 3-5 lần.
Bộ Công Thương cho biết giá phân bón sẽ leo thang từ giờ cho tới cuối năm.
"Đó là những nguyên nhân chính khiến giá các loại phân bón như ure và kali cũng gia tăng chứ không riêng gì mặt hàng phân bón phải chịu thuế tự vệ như DAP hay MAP” – ông Dũng cho biết.
Ông Lê Triệu Dũng thông tin thêm: "Việc sản xuất ure tại Việt Nam chủ yếu bằng hai nguồn là than và khí, mà giá hai nguyên liệu này đều đang ở mức cao vì vậy giá phân bón vẫn sẽ leo cao từ giờ tới hết năm" - ông Ngọc nói.
Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đánh giá tình hình cung cầu thì thấy rằng riêng nguồn cung mặt hàng MAP và DAP đều đáp ứng đủ cầu. Ví dụ như giá mặt hàng DAP và MAP nhập khẩu tăng khoảng 150% trong khi đó mặt hàng sản xuất trong nước tăng 130% và cầu không có biến động quá lớn so với những năm trước đây.
Cũng theo Bộ Công thương, khi hoạt động sản xuất trong nước đối trọng với việc nhập khẩu, mức tăng giá MAP và DAP do trong nước sản xuất thấp hơn rất nhiều so với nhập khẩu. Hiện giá DAP và MAP trong nước được bán với giá 9,5-10,5 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá nhập khẩu là khoảng 14-15 triệu đồng/tấn.
Trong một diễn biến liên quan, trước tình hình phân bón giá tăng vọt, Bộ NN&PTNT đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc bình ổn thị trường, giảm áp lực chi phí cho các địa phương và doanh nghiệp.
Ðối với vấn đề bình ổn giá phân bón, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Hoàng Trung cho biết, Cục BVTV đã trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp sản xuất phân bón để tìm giải pháp duy trì nguồn cung, góp phần bình ổn giá phân bón tại thị trường trong nước.
"Mặc dù giá phân bón các doanh nghiệp xuất khẩu cao hơn giá bán trong nước nhưng hiện nay một số doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn đang thực hiện cắt giảm lượng phân bón xuất khẩu để ưu tiên cung cấp cho thị trường trong nước, phục vụ sản xuất vụ hè thu đang tới. Ðồng thời, để bình ổn giá phân bón đang gia tăng trong giai đoạn hiện nay, rất cần có sự chung tay vào cuộc của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thông qua việc xúc tiến thương mại, "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt" thực hiện các chương trình bán hàng trực tiếp đến tận tay người nông dân với giá hợp lý" - ông Trung nhấn mạnh.
Ngoài ra, yêu cầu doanh nghiệp tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp đến khâu bán lẻ để có thể kiểm soát giá bán, chất lượng phân bón đến tay người nông dân, kết hợp với việc thực hiện đổi mới phương thức kinh doanh nông sản sẽ gắn kết nhà sản xuất phân bón với các hợp tác xã, hộ sản xuất thông qua các chính sách tín dụng giải ngân bằng hàng hóa để cung ứng trực tiếp, giảm các chi phí trung gian, hạ giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó khuyến khích các địa phương sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, nhất là phân bón hữu cơ khai thác từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước (phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt,...) nhằm thay thế một phần phân bón vô cơ thì hoàn toàn có thể cung ứng đủ phân bón, tạo sự "cân bằng" cho sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, các lực lượng chức năng cần tăng cường vào cuộc trong việc ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ, thổi giá để trục lợi. Đây cũng sẽ là căn cứ để kiểm soát giá phân bón trên thị trường.
PV (T/h)