Bộ Công thương phấn khởi: Nhờ chống bán phá giá đường Thái, lần đầu đường nội mua hết mía dân trồng

18:40 | 19/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo đại diện Bộ Công thương, việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đã có tác động tích cực đối với ngành mía đường trong nước.

Trước đó, tháng 8/2020, Bộ Công Thương đã nhận được Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của 6 doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước.

Sau khi xem xét hồ sơ, ngày 21/9/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.

Đến ngày 9/2/2021, Bộ Công thương Ban hành Quyết định 477/QĐ-BTC về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Sau khi có quyết định sơ bộ, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường và các đơn vị liên quan thực hiện các bước điều tra tiếp theo.

Bộ Công thương phấn khởi: Nhờ chống bán phá giá đường Thái, lần đầu đường nội mua hết mía dân trồng - ảnh 1

Ngành mía đường Việt Nam khởi sắc từ việc Bộ Công thương áp thuế chống bán phá giá đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan

Ngày 15/6 vừa qua, Bộ Công Thương đã có Quyết định 1578, quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với đường mía xuất xứ từ Thái Lan.

Trả lời báo chí, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, sau khi tiến hành áp thuế sơ bộ đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan (2/2021), Bộ Công Thương đánh giá, việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đã có tác động tích cực đối với ngành mía đường.

Cụ thể, lượng đường Thái Lan nhập khẩu từ tháng 3/2021 cho tới thời điểm này giảm đáng kể, từ mức bình quân là 110.000 tấn năm 2020, tới nay chỉ còn khoảng 28.000 tấn, giảm 75%.

“Việc này đã làm giảm tác động cạnh tranh không bình đẳng của đường Thái Lan đối với ngành sản xuất trong nước và từ đó giúp giá đường trong nước nhích lên. Đồng thời, giá thu mua mía đối với người nông dân được tăng từ 100.000 đến 200.000 đồng/tấn. Qua đó, giúp người nông dân lần đầu tiên qua nhiều năm tiêu thụ toàn bộ hơn 6 triệu tấn mía” - đại diện Bộ Công thương cho hay.

Những năm qua, chính sách bảo hộ của Thái Lan cho ngành đường mía nước này đang “làm khó” ngành mía đường của nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Kết quả điều tra của Bộ Công thương cho thấy, đường mía có xuất xứ từ Thái Lan đã bán phá giá ở mức 42,99%, được trợ cấp mức 4,65%. Tổng cộng mức độ bán phá giá và trợ cấp là 47,64%.

Điều này khiến lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan và nước ta gia tăng đột biến, lên tới 1,3 triệu tấn năm 2020 và tăng 330,4% so với năm 2019. Đây được coi là nguyên nhân chính khiến ngành mía đường trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng trong thời gian qua.

Do vậy, trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá tác động kinh tế xã hội và ý kiến của các bên liên quan cũng như cân đối tình hình cung cầu, Bộ Công thương đã ban hành áp thuế và quyết định áp thuế chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

H.A

Xem thêm: Bộ Công thương quyết định áp thuế chống bán phá giá 42,99% với đường Thái Lan nhập khẩu